1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga dùng "sát thủ diệt ngầm" săn xuồng tự sát Ukraine ở Biển Đen

Đức Hoàng

(Dân trí) - Anh cho biết, Nga dường như đã huy động máy bay "sát thủ diệt ngầm" Be-12 để đối phó với mối đe dọa từ xuồng tự sát của Ukraine ở Biển Đen.

Nga dùng sát thủ diệt ngầm săn xuồng tự sát Ukraine ở Biển Đen - 1

Máy bay Be-12 của Hải quân Nga (Ảnh: Wikipedia).

Bộ Quốc phòng Anh ngày 2/10 cho hay, lực lượng của Moscow đang sử dụng máy bay thời Liên Xô Be-12 để săn lùng các xuồng không người lái tự sát của Ukraine ở Biển Đen, ngăn chúng không tấn công vào các mục tiêu quân sự của Moscow.

Be-12 nhận nhiệm vụ tuần tra trên không tại Biển Đen nhằm phát hiện các mối đe dọa tiềm tàng từ đối phương.

Tuy nhiên, giới chuyên gia hoài nghi về mức độ hiệu quả của việc triển khai Be-12, khi máy bay này đã có tuổi đời hàng chục năm.

Frederik Mertens, nhà phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hague (Hà Lan), nói với Newsweek rằng, Be-12 là phi cơ đáng tin cậy và hữu ích cho các nhiệm vụ cứu hộ trên không và trên biển.

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu Nga giảm sử dụng chúng làm máy bay tuần tra hàng hải tìm kiếm xuồng tự sát Ukraine "thì điều đó cho thấy lực lượng hàng không thuộc hải quân của nước này chưa có sự chuẩn bị cho mối đe dọa từ các vũ khí trên".

Be-12 được thiết kế vào những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh để phục vụ hoạt động tác chiến chống tàu ngầm và tuần tra trên biển. Hình ảnh ghi tại hiện trường cho thấy, Nga đang sử dụng Be-12 ở khu vực trên và xung quanh bán đảo Crimea trong thời gian qua. 

Be-12 dài hơn 30m, sải cánh 29,8m, cao 7,9m và có thể mang theo 4 tấn vũ khí gồm ngư lôi AT-1, AT-2, bom chống ngầm OMAB. Máy bay này từng được xem là "sát thủ diệt ngầm" một thời.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh), tính đến đầu năm 2023, lực lượng Hàng không Hải quân Nga có 6 chiếc Be-12PS trong biên chế.

Tuy nhiên, những chiếc Be-12PS này dường như không có radar hoặc hệ thống chụp ảnh hồng ngoại hiện đại mà máy bay cần để có thể phát hiện các mục tiêu khó dò tìm, chuyên gia Mertens nói.

Vì vậy, ông hoài nghi về tính hiệu quả khi Nga triển khai Be-12 đối phó mối đe dọa từ các vũ khí nhỏ và nhanh như xuồng tự sát.

Nga đã tăng cường phòng thủ xung quanh các cơ sở của Hạm đội Biển Đen ở Crimea, nơi Ukraine là mục tiêu tập kích trong thời gian qua. Mặc dù Ukraine không có hải quân được trang bị mạnh nhưng nước này đã đầu tư rất nhiều vào chương trình phát triển xuồng không người lái.

Nga cáo buộc Ukraine đã thực hiện một số vụ tấn công nhằm vào cầu Crimea, căn cứ Hạm đội Biển Đen, tàu chiến Moscow đóng tại cảng Sevastopol và Novorossiysk.

Theo tình báo NATO, áp lực từ các vụ tấn công do Ukraine tiến hành đã khiến Nga dường như phải di dời một số vũ khí hải quân của mình ra xa khỏi khu vực Ukraine kiểm soát. Anh dự đoán, Nga trong thời gian tới sẽ gia tăng sức mạnh lực lượng hàng không hải quân ở khu vực tây bắc Biển Đen.

Tuy nhiên, theo ông Mertens, điều này rất có thể thay đổi khi Ukraine nhận được máy bay phản lực F-16 do Mỹ sản xuất và Kiev sau đó có thể bắt đầu tranh giành quyền kiểm soát không phận với Nga trong khu vực.

Mặc dù vậy, tới lúc này, vẫn chưa có thời điểm cụ thể Ukraine có thể nhận được các tiêm kích F-16.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine