1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga dựng "bức tường hỏa lực" ngăn Ukraine phản công

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định Nga đang gia tăng sử dụng các hệ thống pháo hạng nặng trong nỗ lực tạo ra "bức tường hỏa lực" ngăn đà phản công của Ukraine.

Nga dựng bức tường hỏa lực ngăn Ukraine phản công - 1

Hệ thống hỏa lực phóng loạt Tornado-S của Nga (Ảnh: Eurasian Times).

Eurasian Times đưa tin, có những dấu hiệu cho thấy Nga đang thay đổi chiến thuật pháo binh nhằm phù hợp hơn với tình hình chiến trường.

Các thông tin do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp từ cuối tháng 5 cho thấy Moscow dường như sử dụng các khẩu pháo hạng nặng thường xuyên hơn, trong khi tần suất triển khai UAV tự sát dường như giảm xuống.

Các chuyên gia nhận định, việc Nga triển khai các hệ thống hỏa lực hạng nặng lên gần tiền tuyến dường như là nỗ lực của Moscow để ngăn cuộc phản công của Ukraine. Các thiệt hại của Ukraine về vũ khí, khí tài quân sự một tháng qua được xem là do các bãi mìn dày đặc của Nga cũng như các cuộc tấn công phủ đầu bằng hỏa lực hạng nặng.

Tháng 11 năm ngoái, Nga đã tăng cường sử dụng UAV tự sát Lancet-3 sau khi Ukraine giành lại thành phố chiến lược Kherson. Vào thời điểm đó, Ukraine đã sử dụng vũ khí tầm xa nhằm vào các tuyến tiếp tế hậu cần, kho đạn dược của Nga, khiến các khẩu pháo hạng nặng trở nên kém hiệu quả.

Tuy nhiên, khi Nga đã chuyển sang thế phòng thủ để bảo vệ các khu vực họ giành được quyền kiểm soát, pháo hạng nặng được xem là phương án phòng vệ hiệu quả hơn.

Theo Eurasian Times, UAV Lancet hiệu quả để tấn công các tổ hợp pháo bọc thép hạng nhẹ do phương Tây sản xuất. Tuy nhiên, UAV này tương đối nhỏ và không thể đảm nhận được các nhiệm vụ tấn công những đoàn xe tăng, thiết giáp quy mô lớn di chuyển tiếp cận tiền tuyến cũng như các trung tâm chỉ huy kiên cố.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, nếu Lancet không tấn công vào đúng vị trí, nó sẽ khó phá hủy hoàn toàn xe tăng và thiết giáp mà có nhiệm vụ ngăn cản nhiều hơn.

Trong khi đó, các hệ thống hỏa lực của Nga có thể giải quyết vấn đề này. Hỏa lực chính vũ khí đã giúp Nga phá hủy các đoàn xe bọc thép Leopard 2, thiết giáp Bradley của Ukraine trong giai đoạn đầu của cuộc phản công tháng trước.

Nga đang triển khai các hệ thống pháo hạng nặng uy lực ở Ukraine như Akatsiya 23SM, 2S19 Msta-S, 2S7 Pion/2S7M Malka, 2S5 Giatsint, 2S4 Tyulpan, Tonado S.

Trong những đoạn video do Nga công bố, các pháo này đã phá hủy hàng loạt vũ khí hạng nặng, sở chỉ huy, điểm tập kết quân của Ukraine.

Ngoài ra, Nga cũng đã cải tiến năng lực phản pháo. Trước đó, Nga thường dùng pháo binh để tấn công ngược lại các tổ hợp hỏa lực của Ukraine, sử dụng thông tin từ radar phản pháo.

Giờ đây, Nga đang tăng cường sử dụng UAV tự sát Lancet để làm nhiệm vụ này. Ưu điểm của Lancet là gọn, nhẹ, hiệu quả, làm giảm bớt gánh nặng hậu cần và tiếp tế đạn dược cho Nga. Mặt khác, dùng UAV để phản pháo sẽ giúp Nga tiết kiệm đạn dược hạng nặng để tấn công được vào nhiều mục tiêu hơn.

Sử dụng UAV để phản pháo sẽ cho phép Nga loại bỏ các tổ hợp hỏa lực của Ukraine nhanh nhất có thể, so với việc triển khai các tổ hợp vũ khí hạng nặng thường tốn thời gian hơn. UAV sẽ thực hiện đồng thời nhiệm vụ trinh sát trên không giúp Nga giảm số lượng binh sĩ cần thiết cho nhiệm vụ phản pháo.

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm