Nga đưa 1.000 quân tiếp viện tới Kherson trước nguy cơ chiến sự khốc liệt
(Dân trí) - Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết Nga đã huy động lên tới 1.000 quân tới bờ tây sông Dnipro để bảo vệ thành phố Kherson.
Theo thông báo của lực lượng vũ trang Ukraine ngày 28/10, trong khi chính quyền thân Nga ở Kherson sơ tán dân thường và đưa các vật dụng như thiết bị bệnh viện tới bờ đông sông Dnipro, Nga đã tăng cường lực lượng bằng cách đưa 1.000 quân tới bờ tây sông Dnipro.
"Lực lượng này ở trong nhà của người dân địa phương sau khi người dân rời khỏi khu vực này", lực lượng vũ trang Ukraine cho biết thêm.
Bộ Quốc phòng Anh hôm nay cũng nhận định, Nga "nhiều khả năng" đã huy động "quân dự bị" đến Kherson để tiếp viện cho lực lượng ở bờ tây sông Dnipro.
"Nga có thể đã củng cố một số đơn vị của họ ở bờ tây sông Dnipro với lực lượng dự bị được huy động", Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, các lực lượng Nga trên hầu hết lãnh thổ Ukraine đã chuyển sang "thế trận phòng thủ lâu dài" trong 6 tuần qua.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 27/10 nói rằng, ông không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ rút lực lượng khỏi Kherson.
"Họ không sẵn sàng rút khỏi Kherson. Nhưng họ cũng nhận thức được rằng, nếu chúng tôi phản công thành công, họ sẽ không còn đường lui. Họ ý thức được tình thế nguy hiểm này", nhà lãnh đạo Ukraine nói, đồng thời khẳng định quân đội nước này có thể đánh bại lực lượng Nga ở Kherson.
Nga đã sơ tán hàng chục nghìn người dân Kherson những ngày gần đây, nhưng ông Zelensky cho rằng, Nga thực chất vẫn giữ lại binh sĩ được đào tạo bài bản nhất.
Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cũng nhận định, Nga đang củng cố các vị trí ở tả ngạn sông Dnipro ở Kherson. "Đối phương đang khai hỏa vào các vị trí của chúng ta dọc đường liên lạc, củng cố lực lượng ở một số mặt trận, đặc biệt ở tả ngạn sông Dnipro, ra sức triển khai trinh sát ở đây", Bộ Tổng tham mưu của Ukraine cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ngày 26/10 nhận định, nếu quân đội Ukraine tấn công quy mô lớn vào Kherson, lực lượng Nga sẽ không mạo hiểm cố thủ lâu trong thành phố khi hầu hết cầu bắc qua sông Dnipro đã bị Kiev phá hủy hoặc kiểm soát. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, tốc độ phản công của Ukraine đang chậm lại vì lý do thời tiết và địa hình.
"Hiện tại, một số điều kiện thời tiết kém thuận lợi, cụ thể là mưa, đã làm chúng tôi chậm lại. Tuy nhiên, chúng tôi đang sử dụng chiến thuật tiến chắc, từng bước tái kiểm soát những ngôi làng, khu định cư. Chúng tôi tiến từng mét, có lúc hàng km. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch", ông Reznikov nói.
Kherson hiện là mặt trận nóng nhất giữa Nga và Ukraine. Giới chức quân đội Ukraine cảnh báo, một "trận đánh lớn" có thể sắp diễn ra ở Kherson. Ukraine đang tập hợp lực lượng để chuẩn bị cho một đợt phản công quy mô lớn, trong khi Nga cũng tăng cường phòng thủ, biến Kherson thành một pháo đài.
Nga kiểm soát Kherson, miền Nam Ukraine, từ tháng 3 năm nay. Kherson vốn là một trung tâm công nghiệp với sông và cảng biển lớn, đóng vai trò là cửa ngõ của Ukraine đến Biển Đen và bán đảo Crimea. Với vị trí chiến lược đó, Kherson được coi là mục tiêu quan trọng mà cả Nga và Ukraine đều muốn nắm giữ.
CÁC DẤU MỐC CHÍNH TRONG XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE
Tháng 2: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.
Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.
Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.
Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov.
Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.
Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk.
Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.
Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.
Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.
Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.
Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.
Ngày 8/10: Cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm.
Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.