Nga điều thêm lực lượng nào tới gia cố phòng tuyến Kherson?
(Dân trí) - Quân đội Nga được cho là đang dồn toàn lực gia cố cho phòng tuyến Kherson nhằm đối phó với nguy cơ từ những đợt phản công của Ukraine.
Bất chấp những tin đồn về việc Nga sẽ rút quân khỏi Kherson trong thời gian gần đây, Moscow vẫn đang nỗ lực hết sức nhằm tăng cường năng lực tác chiến cho tuyến phòng ngự tại khu vực này.
Trang Defense Express, dẫn lời các nguồn tin tại Kherson, cho biết trong vòng 5 - 6 ngày qua, Moscow đã tăng cường thêm 6 đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn tới phòng tuyến Kherson. Các đơn vị này đa phần thuộc lực lượng lính dù thiện chiến với kinh nghiệm chiến đấu dày dạn của quân đội Nga. Bên cạnh đó, một lữ đoàn bộ binh cơ giới cũng đã được điều động về đây nhằm tăng cường sức mạnh hỏa lực và sự cơ động cho phòng tuyến ở Kherson.
Ngoài ra, 8 nhóm tác chiến từ Lực lượng Vệ Binh Quốc gia Nga cũng đã có mặt tại Kherson. Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga (FSVNG) thành lập vào năm 2016 như một cơ quan hành pháp liên bang (ngang bộ) mới, chịu trách nhiệm về an ninh và các chức năng trong một số lĩnh vực khác. Thành phần chủ yếu của FSVNG chủ yếu bao gồm các binh sĩ đặc nhiệm chống khủng bố được chuyển giao từ Bộ Nội vụ Nga. Nhiệm vụ chính của FSVNG là duy trì trật tự, bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng, chống lại các mối đe dọa tiềm tàng của đối phương và tham gia các nhiệm vụ đột kích cũng như chống khủng bố.
Trước đó, vào ngày 20/10, Defense Express đưa tin, lực lượng Nga tại phòng tuyến Kherson - Bersylav đang bao gồm 22 đơn vị tác chiến đến từ: Trung đoàn đổ bộ đường không số 108 và 171 thuộc Sư đoàn đổ bộ đường không số 7, Trung đoàn đổ bộ đường không số 224, 237 và 239 thuộc Sư đoàn đổ bộ đường không số 76, Trung đoàn dù số 217 và 331 của Sư đoàn 98, Lữ đoàn đổ bộ đường không số 11, Trung đoàn bộ binh cơ giới số 429 thuộc Sư đoàn 19, Trung đoàn bộ binh cơ giới số 255 thuộc Sư đoàn bộ binh cơ giới số 20, Lữ đoàn Bộ binh cơ giới số 205 thuộc Tập đoàn quân 49, đơn vị vệ binh số 4 thuộc Tập đoàn quân 58, Lữ đoàn phòng thủ bờ biển số 126 cùng Lữ đoàn tác chiến đặc biệt số 10.
Với những sự bổ sung trong tuần qua, tuyến phòng ngự nhiều lớp của Nga tại Kherson chắc chắn sẽ là một chốt chặn không dễ gì vượt qua đối với lực lượng tấn công của Ukraine.
Chuyên gia George Barros, nhà phân tích xung đột Nga - Ukraine tại Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW), cho rằng quân đội Ukraine sẽ khó giành lại khu vực Kherson từ tay người Nga trong năm 2022.
Theo ông Barros, sông Dnieper đang đóng vai trò như một phòng tuyến tự nhiên cho lực lượng phòng thủ của Nga tại Kherson. Việc vượt qua con sông này sẽ không dễ dàng trong bối cảnh các cây cầu bắc ngang qua sông Dnieper đã bị phá hỏng do các trận pháo kích dữ dội trong thời gian qua. Vượt sông bằng cầu phao và các phương tiện dã chiến cũng rất nguy hiểm do hỏa lực từ các lực lượng phòng ngự của Nga trong khu vực.
CÁC DẤU MỐC CHÍNH TRONG XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE
Tháng 2: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.
Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.
Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.
Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov.
Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.
Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk.
Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.
Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.
Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.
Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.
Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.
Ngày 8/10: Cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm.
Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.