1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga đánh chặn tên lửa "Sấm sét" tập kích Crimea

Minh Phương

(Dân trí) - Nga đã bắn hạ 2 tên lửa đạn đạo bị nghi của Ukraine nhằm vào bán đảo Crimea rạng sáng nay 10/6.

Nga đánh chặn tên lửa Sấm sét tập kích Crimea - 1

Một nhà máy lọc dầu ở Crimea bốc cháy sau một cuộc tập kích UAV hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters).

RT dẫn lời ông Sergey Aksyonov, người đứng đầu chính quyền Crimea, cho hay các hệ thống phòng không của Nga ở Crimea đã đánh chặn 2 tên lửa đạn đạo Grom-2 do Ukraine sản xuất. Vụ tập kích không gây ra thiệt hại về người cũng như hạ tầng.

"Tôi đề nghị mọi người bình tĩnh và chỉ tin vào nguồn tin chính thống", ông Aksyonov khuyến cáo người dân ở Crimea.

Grom-2 (tạm dịch: Sấm sét) là tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Ukraine sản xuất, kết hợp các tính năng của hệ thống tên lửa chiến thuật và bệ phóng tên lửa đa nòng. Ukraine bắt đầu phát triển Grom-2 từ giữa những năm 2010. Phiên bản mới nhất của tên lửa này phục vụ mục đích xuất khẩu có tầm bắn lên tới 280km.

Hồi đầu tháng 5, Ukraine từng bị nghi sử dụng ít nhất 2 tên lửa Grom-2 để tập kích Crimea. Các tên lửa này đều bị bắn hạ.

Nga đánh chặn tên lửa Sấm sét tập kích Crimea - 2

Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 (Bản đồ: Aljazeera).

Nga đã sáp nhập Crimea vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu ý gây tranh cãi. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn một năm, bán đảo này nhiều lần bị tập kích bằng máy bay không người lái (UAV), trong đó có vụ tập kích nhằm vào Hạm đội Biển Đen, mặc dù trước đó Crimea được coi là "pháo đài bất khả xâm phạm".

Tình trạng tương lai của bán đảo này được cho sẽ là một nội dung then chốt trong bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine. Moscow yêu cầu Ukraine công nhận "thực tế mới về lãnh thổ", nghĩa là thừa nhận sự kiểm soát của Nga đối với Crimea và các vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga hồi tháng 9 năm ngoái như một điều kiện hòa bình. Trong khi đó, Kiev bác bỏ bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Moscow cho đến khi Nga rút hết quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả Crimea.

Andrey Yusov, người phát ngôn Tổng cục Tình báo Ukraine (GUR), hôm qua cho biết Ukraine đặt mục tiêu giành lại Crimea trước mùa đông năm nay. Tuy nhiên, một số giới chức và chuyên gia phương Tây hoài nghi về khả năng của Kiev giành lại bán đảo này trong tương lai gần.

Nga nhiều lần cảnh báo, bất cứ nỗ lực nào của Ukraine nhằm giành lại Crimea sẽ bị đáp trả khốc liệt. Moscow không loại trừ việc sử dụng các biện pháp sẵn có theo học thuyết hạt nhân.

Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus

Nga đánh chặn tên lửa Sấm sét tập kích Crimea - 3

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sau khi các cơ sở lưu trữ đặc biệt sẵn sàng vào ngày 7/7.

"Mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch", ông Putin nói với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko trong một buổi tiếp đón tại khu nghỉ mát Sochi bên Biển Đen hôm 9/6.

Chủ nhân Điện Kremlin cho biết thêm: "Việc chuẩn bị các cơ sở liên quan kết thúc vào ngày 7/7 hoặc ngày 8/7, và chúng tôi sẽ ngay lập tức bắt đầu các hoạt động liên quan đến việc triển khai các loại vũ khí thích hợp trên lãnh thổ của Belarus".

Hồi tháng 3, ông Putin đồng ý triển khai những vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, tương tự cách Mỹ đã làm với các đồng minh.

Mỹ và các đồng minh đang theo dõi chặt chẽ các động thái hạt nhân của Moscow trong bối cảnh xung đột ở Ukraine có chiều hướng leo thang. Washington cho biết, họ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo Reuters, RT