1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga đang nắn gân chính quyền của ông Trump?

(Dân trí) - Một số quan chức Lầu Năm Góc cho rằng, Nga đang thử phản ứng của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump với hàng loạt động thái “lạ”.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh minh họa: Getty)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh minh họa: Getty)

Mới đây, Nga đã triển khai một tên lửa hành trình thuộc diện cấm theo hiệp ước giữa Nga và Mỹ, đưa một tàu trinh sát đến gần bờ biển Virginia, “trêu ngươi” tàu chiến Mỹ ở Biển Đen. Nhận định về những động thái này, một quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ nói: “Họ có vẻ như có ý nắn gân chính quyền mới”. Một quan chức khác cũng cho rằng; “Nga đang làm những thứ khác lạ để xem chính quyền mới sẽ phản ứng như thế nào”.

Những diễn biến này làm dấy lên câu hỏi liệu ông chủ mới của Nhà Trắng sẽ đối phó thế nào với Nga sau khi đã dành những lời “có cánh” thậm chí “bênh vực” cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Về phần mình, ông Trump bác bỏ quan điểm cho rằng Nga đang “thử” ông và cho rằng những động thái gần đây là do Putin tin rằng Trump đang bị bó buộc và không có khả năng thương thuyết với Nga.

Ngược lại, các quan chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng, Nga có thể “nắn gân” bất cứ chính quyền mới nào của Mỹ bất kể quan khả năng thương thuyết của tổng tư lệnh đất nước đến đâu.

Một quan chức chỉ ra, vụ việc tàu trinh sát Nga áp sát bờ biển Virginia của Mỹ mới đây nhiều khả năng đã được lên kế hoạch từ trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ bởi tàu này đã rời cảng gần Murmansk trên Bắc Băng Dương từ giữa tháng 12. Giới phân tích cũng đồng tình rằng, những động thái gần đây của Moscow là để “thử” phản ứng của chính quyền mới của Mỹ, hơn nữa Nga có lý do để làm như vậy bởi tin tưởng rằng quan hệ song phương Nga - Mỹ có thể ấm lên dưới thời Tổng thống Trump.

“Họ đang cố gắng xem quan điểm của chúng ta thế nào. Moscow đang thử để xem họ được xếp ở đâu trong mắt Nhà Trắng”, Magnus Nordenman, giám đốc Sáng kiến an ninh xuyên Đại Tây Dương thuộc Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở ở Washington, nhận định.

Joerg Forbig, chuyên gia Đông Âu tại Quỹ Marshall nhận định, những động thái mới nhất của Nga "gần như chắc chắn được sắp xếp để diễn ra trong lúc chuyển giao sang chính quyền mới” và cho rằng Nga sẽ còn tiếp tục những hành động thăm dò kiểu này.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 17/2 phát biểu với truyền thông Nga rằng: “Những tháng qua, chúng tôi luôn nhấn mạnh không bao giờ ảo tưởng thái quá, do đó chúng tôi cũng chẳng có gì phải thất vọng”.

Về phía Mỹ, theo chuyên gia Nordenman, chính quyền của Tổng thống Trump có thể sẽ có những lựa chọn phản ứng khác nhau với những hành động này của Nga, hoặc sẽ "làm ngơ", hoặc sẽ phản đối qua đường ngoại giao, hoặc sẽ điều thêm binh sĩ tới các quốc gia đồng minh lân cận Nga. Tổng thống Trump trong khi đó phát biểu tại một cuộc họp báo tuần trước rằng: “Tôi sẽ không nói cho các bạn bất cứ điều gì về việc tôi sẽ phản ứng như thế nào. Tôi sẽ không tiết lộ phản ứng của quân đội. Các bạn hỏi liệu tôi sẽ làm gì với tàu trinh sát của Nga, tôi sẽ không nói, nhưng tôi hy vọng rằng tôi sẽ không phải làm gì cả”. Trong một tuyên bố khác, ông Trump nói, hợp tác với Nga là “điều tuyệt vời”.

Minh Phương

Tổng hợp