1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga có thể tìm thấy đối trọng của HIMARS tại Belarus?

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Một số chuyên gia quân sự Nga cho rằng hệ thống Polonez do Belarus sản xuất có thể được coi là đối trọng với pháo phản lực HIMARS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine.

Nga có thể tìm thấy đối trọng của HIMARS tại Belarus? - 1
Pháo phản lực phóng loạt Polonez do Belarus sản xuất (Ảnh: Gagadget).

Trong bối cảnh các pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ viện trợ đã và đang gây nhiều khó khăn cho các lực lượng Nga tại chiến trường, các chuyên gia quân sự tại Moscow đang nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đáp trả.

Mới đây nhất, theo trang Defense Express, hệ thống pháo phản lực Polonez do Belarus sản xuất đang được nhắc đến như một đối trọng với HIMARS.

Pháo phản lực phóng loạt Polonez được thiết kế và chế tạo chủ yếu bởi các kỹ sư tại Nhà máy Cơ điện Chính xác Belarus, với sự hỗ trợ công nghệ của Trung Quốc.

Ưu điểm chính của Polonez là có giá thành rẻ và dễ sản xuất hàng loạt. Hệ thống này được công khai lần đầu tiên vào năm 2015, sử dụng khung gầm xe tải hạng nặng MZKT-7930-3013 cấu hình 8x8 với 2 cụm 4 ống phóng để có thể cùng lúc khai hỏa 8 mục tiêu trên khu vực có diện tích tới 4km2.

Đạn tên lửa của hệ thống Polonez có chiều dài 7,26m và khối lượng 750kg với đầu đạn nặng 150kg. Tầm bắn của đạn là 200km và có thể tăng lên 300km với phiên bản Polonez-M. Đặc biệt, hệ thống bắn của pháo phản lực Polonez được dẫn đường bằng định vị vệ tinh, qua đó tăng cường khả năng tấn công chính xác.

Giới quan sát cho rằng nếu được trang bị với số lượng lớn, các hệ thống Polonez có thể giúp Nga áp đảo hỏa lực của HIMARS. Tuy nhiên, một số người cũng bày tỏ hoài nghi về việc Belarus có thể chuyển giao đủ số lượng pháo phản lực Polonez mà Nga cần để cân bằng ưu thế với HIMARS trong thời gian ngắn. Theo một số nguồn tin, tính đến thời điểm hiện tại, quân đội Belarus chỉ có 6 hệ thống này trong biên chế.

Nga có thể tìm thấy đối trọng của HIMARS tại Belarus? - 2
Binh sĩ Nga và Belarus trong một cuộc diễn tập biểu dương lực lượng (Ảnh: Defense Express).

Belarus được coi là đồng minh thân cận nhất của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Nhiều căn cứ quân sự tại Belarus đã được quân đội Nga sử dụng để thực hiện các phi vụ tấn công vào các mục tiêu quân sự tại Ukraine. Trong thời gian qua, quân đội Belarus cũng liên tục điều động vũ khí hạng nặng nhằm thực hiện các cuộc tập trận lớn tại các khu vực giáp biên giới Ukraine.

Để duy trì sự ủng hộ của nước láng giềng này, Nga đã dành nhiều ưu đãi cho Belarus. Tổng thống Alexander Lukashenko, trong một buổi họp với các quan chức quốc phòng quan trọng hôm 10/5, đã thông báo về việc Belarus sẽ chế tạo một hệ thống tên lửa đạn đạo hoàn toàn mới với sự hỗ trợ của Nga. Ngoài ra, các kỹ sư Nga cũng giúp Belarus hoàn tất nâng cấp máy bay chiến đấu Su-24 của quân đội nước này để có thể mang vũ khí hạt nhân.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine