1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp với NATO

Minh Phương

(Dân trí) - Moscow cảnh báo, nếu NATO triển khai lực lượng tới Ukraine, điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Nga cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp với NATO - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: AFP).

Trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 23/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo sự nguy hiểm nếu NATO cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine. Ông Peskov nói: "Đó sẽ là một quyết định hoàn toàn nguy hiểm và cực kỳ liều lĩnh. Chiến dịch quân sự đang diễn ra. Bất kỳ sự tiếp xúc nào với quân đội NATO đều có thể dẫn đến những hậu quả rõ ràng và khó sửa chữa".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, nếu NATO nhất trí với đề xuất của Ba Lan về triển khai lực lượng hòa bình đến Ukraine, động thái này có thể kéo theo xung đột quân sự trực tiếp với Nga.

"Các đồng nghiệp Ba Lan nói rằng sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh NATO và lực lượng hòa bình sẽ được triển khai (đến Ukraine). Tôi hy vọng họ hiểu được rủi ro tiềm ẩn. Đó sẽ là một cuộc đụng độ trực diện giữa Nga và NATO, một kịch bản mà các bên không những tìm cách né tránh mà còn khẳng định là không nên diễn ra kể cả trên lý thuyết", người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nói.

Đầu tuần trước, Thủ tướng Ba Lan và người đồng cấp Cộng hòa Séc, Slovakia đã tới thủ đô Kiev để hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Sau chuyến đi này, Phó Thủ tướng Ba Lan Jarosław Kaczynski tuyên bố, NATO nên triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine và EU nên kết nạp Ukraine làm thành viên. "Tôi cho rằng, việc triển khai lực lượng hòa bình của NATO là cần thiết", ông Kaczynski kêu gọi.

Tuy vậy, Tổng thư ký Jens Stoltenberg hôm 23/3 một lần nữa tuyên bố, liên minh này sẽ không triển khai lực lượng đến Ukraine. "NATO cung cấp hỗ trợ cho Ukraine nhưng không phải là một phần của cuộc xung đột. NATO sẽ không gửi quân vào Ukraine", ông Stoltenberg cho biết. Ông nhấn mạnh: "Điều quan trọng là phải cung cấp hỗ trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, việc ngăn chặn cuộc xung đột này trở thành một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga cũng vô cùng cần thiết".

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield hôm 20/3 cũng loại trừ khả năng Mỹ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình tại Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Washington sẽ không tham chiến ở Ukraine bởi một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga sẽ là con đường dẫn đến Thế chiến 3. 

Nhìn chung, Mỹ và các đồng minh NATO đến nay vẫn tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga ngay cả khi chỉ trích gay gắt chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Các nước này hiện chỉ dừng ở việc cung cấp các tên lửa phòng không, chống tăng cho Ukraine, trong khi đó, từ chối trang bị máy bay chiến đấu hay lập vùng cấm bay ở đây. NATO cũng bỏ ngỏ đề nghị của Ukraine nhanh chóng kết nạp nước này. Một mặt, NATO bác bỏ yêu cầu của Nga về việc ngừng mở rộng về phía Đông và không kết nạp Ukraine, song chưa có dấu hiệu nào cho thấy liên minh này sẽ sớm đưa Ukraine trở thành thành viên.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine