1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo nguy cơ đụng độ quân sự giữa các cường quốc hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Thứ trưởng Ngoại giao Nga cảnh báo những nỗ lực của Washington nhằm đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc xung đột ở Ukraine có nguy cơ gây ra một cuộc đối đầu hạt nhân trực tiếp.

Nga cảnh báo nguy cơ đụng độ quân sự giữa các cường quốc hạt nhân - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov (Ảnh: Sputnik).

Phát biểu bên lề Hội nghị Geneva về Giải trừ quân bị, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hôm 2/3 cảnh báo "mối đe dọa chiến lược nghiêm trọng nhất đến từ" các chính sách của Mỹ và NATO. Nhà ngoại giao Nga cáo buộc phương Tây tìm cách "thổi bùng thêm xung đột ở Ukraine và khơi mào căng thẳng xung quanh cuộc xung đột này".

Trong bối cảnh đó, ông Ryabkov cảnh báo "sự can dự ngày càng tăng" của Mỹ và NATO đối với các hành động thù địch có nguy cơ dẫn đến một "cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân với những hậu quả thảm khốc".

Theo ông Ryabkov, Moscow đã cảnh báo các nước phương Tây về những rủi ro này, nhưng những cảnh báo của họ "đang bị xuyên tạc vì mục đích tuyên truyền" và cố tình diễn giải sai. Ông nhận định, những chính sách như vậy mâu thuẫn với tuyên bố của chính các quốc gia hạt nhân rằng, không nên tiến hành một cuộc xung đột hạt nhân.

Nhà ngoại giao Nga nói thêm rằng, "các hành động phá hoại" của Mỹ và các đồng minh đang gây căng thẳng ở một số khu vực trên thế giới. Theo ông Ryabkov, điều này cho thấy "chúng ta có thể nói về cuộc cạnh tranh toàn cầu đang gia tăng nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới".

Ông  Ryabkov cảnh báo, tất cả những diễn biến này "khiến việc giải quyết vấn đề kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro chiến lược ngày càng khó khăn hơn".

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev ngày 2/3 cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng, họ sẽ bị coi là các bên trực tiếp tham gia xung đột với Nga và gánh mọi hậu quả nếu ngoài cung cấp vũ khí, các nước này còn huấn luyện cho Ukraine, đưa máy bay chiến đấu đến đồn trú ở Ba Lan.

Ông Medvedev nhấn mạnh, "bất cứ ai quyết định viện trợ những vũ khí trên hay hỗ trợ sửa chữa chúng cùng với các huấn luyện viên quân sự, lính đánh thuê nước ngoài đều bị coi là mục tiêu tấn công quân sự chính đáng (của Nga)".

Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây viện trợ máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa để đẩy lùi các cuộc tiến công của Nga, nhanh chóng chấm dứt xung đột. Yuriy Sak, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nói nước này cần các máy bay chiến đấu như tiêm kích F-16 của Mỹ để hoàn thiện lưới phòng không, ngăn chặn các cuộc tập kích bằng máy bay không người lái. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ và đồng minh NATO vẫn từ chối cung cấp những khí tài này để tránh nguy cơ xung đột trực tiếp với Moscow.

Mặc dù vậy, Kiev tin rằng phương Tây cuối cùng sẽ đồng ý chuyển máy bay chiến đấu cho Ukraine, như họ từng làm với pháo phản lực HIMARS và xe tăng chiến đấu chủ lực sau nhiều lần miễn cưỡng.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 28/2 nhấn mạnh: "Các nước Pháp, Anh, Mỹ đang ở trong cùng một tổ chức (NATO) mà trên thực tế đang có chiến tranh với chúng tôi và đang trong tình trạng đối đầu vũ trang trực tiếp với chúng tôi do vũ khí của họ ở Ukraine".

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine