1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga cảnh báo NATO "vượt lằn ranh đỏ"

Minh Phương

(Dân trí) - Đại sứ Nga tại Nhật Bản cho rằng, sự bành trướng của NATO và việc tạo ra thành trì chống Nga ở Ukraine đã vượt "lằn ranh đỏ" và xâm phạm lợi ích an ninh của Nga.

Nga cảnh báo NATO vượt lằn ranh đỏ - 1

Đại sứ Nga tại Nhật Bản Mikhail Galuzin (Ảnh: Getty).

Phát biểu tại một cuộc họp về giải trừ hạt nhân hôm 4/8, Đại sứ Nga tại Nhật Bản Mikhail Galuzin đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

"Có rất nhiều cáo buộc xung quanh lập trường của Nga với những đồn đoán về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine. Tuy nhiên, học thuyết của chúng tôi về vấn đề này nêu rõ: Chúng tôi không loại trừ đáp trả hạt nhân, nhưng chỉ sau khi có các hành động gây hấn bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc vũ khí truyền thống đe dọa đến sự tồn vong của đất nước chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine không liên quan đến những kịch bản này", Đại sứ Galuzin nói.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, sự "bành trướng thù địch" và việc lập ra "thành trì chống Nga ở Ukraine" của NATO đã vượt lằn ranh đỏ và "xâm phạm trực tiếp đến lợi ích an ninh quốc gia của Nga". "Mỹ và các đồng minh đã lao vào một cuộc đối đầu căng thẳng với đất nước chúng tôi, cân bằng một cách nguy hiểm trên bờ vực một cuộc xung đột vũ trang", Đại sứ Galuzin nói.

Nhà ngoại giao Nga cho rằng, các bên cần ngăn chặn bất cứ cuộc xung đột vũ trang nào giữa các cường quốc hạt nhân bởi vì nó có thể leo thang thành một xung đột hạt nhân.

"Đó chính là những gì Nga cảnh báo về hậu quả tiềm tàng từ những hành động gây hấn trực tiếp của NATO nhằm vào đất nước chúng tôi trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine. Bước đi đó có thể kéo theo một trong hai kịch bản được nêu trong học thuyết của chúng tôi", Đại sứ Galuzin cho biết. Ông nhấn mạnh, Nga không mong muốn điều này xảy ra, song "nếu phương Tây thách thức sự kiên nhẫn của Nga, Moscow sẽ không lùi bước".

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2, Mỹ và các đồng minh NATO đã cam kết viện trợ quân sự hàng chục tỷ USD cho Ukraine. Phương Tây bắt đầu cung cấp vũ khí hạng nặng, trong đó có tổ hợp pháo HIMARS, nhằm giúp Kiev đối phó với đà tiến công của Moscow.

Giới chức Nga đầu tuần này cáo buộc Mỹ can dự trực tiếp vào xung đột ở Ukraine. Nga viện dẫn phát biểu của Phó cục trưởng tình báo quân sự Ukraine Vadym Skibitsky rằng Mỹ có phối hợp với Ukraine trong các quyết định tấn công bằng pháo phản lực HIMARS trên chiến trường. Nga cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công tên lửa nhằm vào các mục tiêu dân sự ở những khu vực do phe ly khai kiểm soát tại Ukraine như Donbass.

Ông Vladimir Rogov, một thành viên của hội đồng chính quyền quân - dân sự do Nga thiết lập ở tỉnh Zaporizhzhia thuộc Đông Nam Ukraine, hôm 2/8 nhận định, Mỹ kiểm soát các cuộc tấn công bằng pháo HIMARS của Ukraine để hạn chế lãng phí rocket đánh trượt mục tiêu. "Hướng dẫn bằng (hệ thống định vị) GPS diễn ra trực tiếp dưới sự kiểm soát của Mỹ để tránh sai mục tiêu và việc này là do người Mỹ không tin tưởng quân đội Ukraine trong việc hạn chế sử dụng rocket cũng như tấn công rocket vào những mục tiêu không phù hợp. Mỗi rocket có giá hơn 150.000 USD".

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine