1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga cảnh báo hậu quả nếu Mỹ cấp vũ khí "thay đổi cuộc chơi" cho Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga cảnh báo nguy cơ leo thang xung đột tại Ukraine sẽ gia tăng đáng kể nếu Mỹ cung cấp cho Kiev hệ thống rocket phóng loạt tầm xa.

Nga cảnh báo hậu quả nếu Mỹ cấp vũ khí thay đổi cuộc chơi cho Ukraine - 1

Hệ thống rocket M142 của Mỹ khai hỏa trong cuộc tập trận năm 2021 (Ảnh: AFP).

Truyền thông Mỹ tuần này dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã "bật đèn xanh" cho việc gửi các hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) cho Ukraine.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm nay 28/5 cho biết, thông tin trên cần được xác minh và cho đến nay, chưa có thông báo chính thức nào do các quan chức Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, Đại sứ Nga hy vọng "Washington sẽ không thực hiện một bước đi khiêu khích như vậy".

Đại sứ Antonov cho biết ông và các đồng nghiệp tại Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần cảnh báo giới chức Mỹ rằng, việc "bơm vũ khí" với số lượng "chưa từng có" vào Ukraine "làm gia tăng đáng kể nguy cơ leo thang xung đột".

Theo ông Antonov, nếu thông tin do truyền thông đưa ra là chính xác và chính quyền Tổng thống Biden có ý định gửi các hệ thống M270 MLRS và M142 HIMARS tới Kiev, quân đội Ukraine sẽ có khả năng tấn công các thành phố của Nga - điều mà ông cho là không thể chấp nhận được đối với Moscow.

MLRS đã được Ukraine đưa lên đầu danh sách vũ khí mà nước này yêu cầu viện trợ khi chiến dịch quân sự giai đoạn 2 của Nga đang tập trung vào cuộc đối đầu giữa các hệ thống pháo và hỏa lực. MLRS là hệ thống bệ phóng rocket được đặt trên một phương tiện có thể di chuyển cơ động. Chúng giúp các quân nhân đa dạng hướng tấn công trong thời gian ngắn, di tản nhanh chóng để tránh bị đối thủ phản công.

Mỹ hiện có 2 dòng MLRS là M270 và M142 HIMARS. Rocket phóng từ M270 có thể tấn công mục tiêu trong khoảng cách 32-64 km, với những hỏa lực hiện đại thậm chí cho tầm tấn công 160 km. Trong khi đó, M142 HIMARS sở hữu rocket với tầm tấn công tiêu chuẩn là gần 300 km, trong khi đạn đặc biệt có thể đạt tầm tấn công 500 km.

Ông Antonov tuyên bố, thông qua việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, Mỹ sẽ phá hoại triển vọng hòa bình ở quốc gia Đông Âu này. Ông cũng lưu ý rằng Washington ngày càng can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột tại Ukraine và điều này có thể gây ra "những hậu quả khó lường đối với an ninh toàn cầu".

Quan chức Nga kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden chấm dứt "hoạt động bơm vũ khí vô nghĩa và rủi ro cao" vào Ukraine. Ông Antonov cũng kêu gọi các quan chức ở Kiev và Washington "chấp nhận thực tế", điều này có thể giúp "đạt được tiến bộ trên con đường giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao".

Pavlo Kyrylenko, thống đốc vùng Donetsk ở Đông Ukraine, nói rằng việc phương Tây viện trợ thêm pháo binh tầm xa và chính xác hơn như MLRS có thể là một "yếu tố thay đổi cuộc chơi".

Với tầm bắn xa vượt trội, MLRS có thể nhằm mục tiêu vào sâu trong lãnh thổ Nga. Moscow nhiều lần cảnh báo rằng, việc trao cho Ukraine vũ khí tầm xa có thể khiến phương Tây bị trả đũa nếu Nga bị tấn công. Trong khi đó, NATO nhiều lần nhấn mạnh liên minh này không muốn xảy ra đối đầu trực tiếp với Nga và sẽ tránh điều đó.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine