Nga cảnh báo đáp trả các nước áp trần giá dầu
(Dân trí) - Điện Kremlin tuyên bố việc các nước áp trần giá dầu không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay 5/12 cho biết, Nga đang chuẩn bị biện pháp đáp trả động thái của các nước phương Tây khi áp trần giá dầu Nga.
"Nước Nga và nền kinh tế Nga có đủ năng lực cần thiết để đáp ứng đầy đủ nhu cầu và yêu cầu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Các biện pháp như vậy sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch", ông Peskov cho biết khi được hỏi liệu mức giá trần có ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine hay không.
Ông Peskov tuyên bố Nga "sẽ không công nhận" mức giá trần, đồng thời cảnh báo đây là "một động thái gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu" và sẽ làm "thay đổi" giá dầu.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moscow đang nghiên cứu các cơ chế để cấm sử dụng công cụ giới hạn giá, bất kể mức giá nào được đặt ra, bởi hành động can thiệp đó có thể khiến thị trường bất ổn hơn nữa.
"Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi theo các điều kiện thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải giảm sản lượng", ông Novak nói thêm.
Đại sứ quán Nga chỉ trích phương Tây đang "bóp méo" các nguyên tắc của thị trường tự do, song điều này cũng không làm giảm nhu cầu với dầu mỏ Nga. "Bất chấp những công cụ bất hợp pháp và nguy hiểm này, chúng tôi tin rằng, nhu cầu với dầu mỏ Nga sẽ tiếp tục tăng", Đại sứ quán Nga khẳng định.
Nga nhiều lần tuyên bố sẽ không tuân thủ việc áp trần giá dầu và cảnh báo sẽ ngừng bán dầu cho bất cứ nước nào áp dụng giá trần.
Tuyên bố của các quan chức Nga được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) và G7, Australia nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng hay thấp hơn giá thị trường ít nhất 5% đối với dầu mỏ nhập khẩu bằng đường biển từ Nga. Từ ngày 5/12, EU sẽ cấm các công ty vận chuyển và cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các lô dầu Nga bán vượt giá trần.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, việc áp giá trần sẽ tăng cường các lệnh trừng phạt Nga, làm giảm doanh thu của Nga, ổn định thị trường năng lượng bằng cách cho phép các nhà khai thác có trụ sở tại EU vận chuyển dầu đến nước thứ ba với điều kiện giá dầu giao dịch dưới mức trần.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, mức giá 60 USD/thùng dầu Nga là có lợi cho các nước có thu nhập thấp, các nước nghèo đang chịu gánh nặng khi giá nhiên liệu tăng cao. Phương Tây nhận định biện pháp này nhằm giảm nguồn thu mà Nga có thể dùng để tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đánh giá về tác động tiềm tàng của việc áp trần giá dầu, các chuyên gia cho rằng, nếu mức giá trần dao động từ 65-70 USD/thùng, Nga vẫn có thể bán dầu và duy trì lợi nhuận như hiện tại. Thực tế, dầu thô của Nga đang giao dịch ở mức 63 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá dầu Brent trên thị trường quốc tế.