1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo đanh thép Ukraine, tuyên bố không đàm phán hòa bình

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga tuyên bố không đàm phán với Ukraine sau cuộc tấn công của lực lượng Kiev vào vùng Kursk.

Nga cảnh báo đanh thép Ukraine, tuyên bố không đàm phán hòa bình - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: Tass).

"Vào tháng 6 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin, với một thái độ thiện chí, đã đưa ra những đề xuất khá thực tế. Đề xuất này hướng đến một giải pháp lâu dài và công bằng. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thay vì nghiêm túc xem xét đề xuất hào phóng nhất từ phía Nga, lại thực hiện một cuộc tấn công khủng bố đẫm máu vào vùng Kursk và cư dân ở vùng này. Tôi cho rằng cuộc tấn công là hành động tự sát đối với chính quyền Zelensky", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phát biểu trong cuộc họp báo hôm 28/8.

Bà Zakharova cáo buộc "các binh lính Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài đang thực hiện hành vi phạm tội, bắn vào dân thường và tình nguyện viên, tấn công cơ sở hạ tầng dân sự, nhắm vào các nhà báo và gây nguy hiểm cho các cơ sở điện hạt nhân".

"Vậy liệu có thể đàm phán hòa bình trong những điều kiện như vậy và có thể đàm phán với ai? Tất nhiên, không thể đàm phán hòa bình với chính quyền khủng bố ở Kiev", quan chức ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Bà Zakharova cho rằng "tình trạng vô pháp này đang diễn ra với sự thông đồng hoàn toàn của phương Tây và sự khuyến khích các hoạt động của Kiev".

"Rõ ràng là cả Kiev, Mỹ và đồng minh NATO của họ đều không cần một giải pháp. Như họ đã nói, họ quan tâm đến việc gây ra thiệt hại tối đa cho Nga. Theo đó, điều này làm chậm trễ bất kỳ giải pháp nào và góp phần làm leo thang xung đột", bà Zakharova tuyên bố.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, chính quyền Ukraine sẽ coi trọng hơn đề xuất hòa bình của Moscow nếu họ thực sự muốn ngừng bắn.

"Nếu chính quyền Tổng thống Zelensky quan tâm đến hòa bình, phản ứng của họ đối với sáng kiến hòa bình sẽ mang tính xây dựng. Thực tế có rất nhiều sáng kiến như vậy và nhiều bên đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau cho vấn đề này, nhưng nhìn chung vẫn là ngõ cụt đối với Kiev. Điều này bao gồm cả sáng kiến của Nga", bà Zakharova nhấn mạnh.

Nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine bị cho là gặp khó khăn sau khi Kiev đưa quân đột kích vùng biên giới Nga hôm 6/8.

Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi tuyên bố, tính đến ngày 27/8, Ukraine đã nắm quyền kiểm soát 1.294km2 lãnh thổ Nga, tương đương 100 khu định cư ở Kursk, đồng thời bắt giữ 594 quân nhân Nga ở mặt trận này.

Tổng thống Putin chỉ trích cuộc đột kích của Ukraine là hành động "khiêu khích nghiêm trọng" và sẽ bị đáp trả thích đáng. Chủ nhân Điện Kremlin cũng nêu rõ, Nga sẽ không đàm phán khi Ukraine tấn công vào dân thường và các hạ tầng dân sự.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng nói rằng Moscow sẽ không đàm phán với Ukraine sau cuộc tấn công vào Kursk, cho đến khi Kiev bị đánh bại hoàn toàn.

Tổng thống Putin trước đó đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Cuối năm 2022, Tổng thống Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường cho chiến tranh cho Kiev.

Theo Tass