1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga bác đề xuất hòa bình của Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ "công thức hòa bình" của Ukraine cũng không làm thay đổi lập trường của Moscow về vấn đề này.

Nga bác đề xuất hòa bình của Ukraine - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova  (Ảnh: Sputnik).

"Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với sáng kiến này cũng không thể thúc đẩy việc tìm kiếm phương án tối ưu cho việc hướng tới hòa bình ở Ukraine. Tôi không thấy có ý nghĩa trong việc đưa ra thêm bình luận về vấn đề này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm 12/1, nhắc lại việc Nga từng từ chối công thức hòa bình do Ukraine đưa ra trước đây.

Phát biểu của bà Zakharova được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố nước này ủng hộ công thức hòa bình gồm 10 điểm do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất.

Ngoại trưởng Cavusoglu đã bày tỏ lập trường ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với đề xuất hòa bình của Tổng thống Zelensky trong một cuộc họp báo ở Nam Phi hôm 10/1. Ông ca ngợi vai trò trung gian hòa giải của Ankara, đồng thời cho biết chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn thấy giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine "càng sớm càng tốt".

Trước đó, trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11/2022, Tổng thống Zelensky đã nêu công thức hòa bình gồm 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Các đề xuất bao gồm đảm bảo an ninh hạt nhân, phóng xạ; an ninh lương thực, năng lượng; thả toàn bộ tù binh; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và trật tự thế giới; Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch, tránh leo thang căng thẳng và bồi thường thiệt hại chiến tranh.

Mặc dù phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán, song Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine sẽ "không thỏa hiệp về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" để có được hòa bình. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích đề xuất hòa bình 10 điểm của nhà lãnh đạo Ukraine là "phi thực tế và không đầy đủ".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Peskov hồi tháng 12 năm ngoái tuyên bố, "không thể có một kế hoạch hòa bình nào cho Ukraine mà không tính đến thực trạng hiện nay liên quan đến lãnh thổ Nga, với việc 4 khu vực sáp nhập vào Nga".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng, Moscow sẵn sàng thảo luận về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng chỉ khi nhận được "những đề xuất thực tế và không quá xa vời, có tính đến thực tế hiện nay cũng như lợi ích hợp pháp của Nga". 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhia và Kherson sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Ukraine và các nước phương Tây đã phản đối các cuộc trưng cầu dân ý này. Cho đến nay, Nga vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn cả 4 khu vực tuyên bố sáp nhập. Trước đó, năm 2014, Nga cũng sáp nhập bán đảo Crimea ở miền Nam Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý.  

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng trước khẳng định mục tiêu của Moscow không phải duy trì xung đột quân sự, mà nhằm chấm dứt cuộc chiến này. Nhà lãnh đạo Nga nói rằng, gia tăng chiến sự sẽ dẫn đến những tổn thất không cần thiết và Moscow sẽ cố gắng đảm bảo rằng cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc càng sớm càng tốt.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine