NATO: Trung Quốc đặt ra thách thức an ninh có tính hệ thống
(Dân trí) - NATO nhận định rằng Trung Quốc đang đặt ra "thách thức an ninh có tính hệ thống" và kêu gọi sự hợp tác từ các bên của để đối phó với Bắc Kinh.
RT đưa tin, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 5/4 cho biết, NATO có kế hoạch sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác ở châu Á nhằm đối phó với "thách thức an ninh" ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.
Ông cho hay, NATO sẽ tiếp đón ngoại trưởng từ các nước thành viên cũng như các quốc gia chưa phải thành viên như Phần Lan, Thụy Điển, Gruzia và cả Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, ông Stoltenberg cho biết, NATO cũng mời cả các đối tác từ châu Á-Thái Bình Dương như Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng an ninh hiện tại đang có tác động toàn cầu.
Theo kế hoạch, ngoại trưởng các quốc gia thành viên NATO sẽ nhóm họp từ ngày 6-7/4 tại Brussels, Bỉ, trong đó sẽ bàn giải pháp "hạ nhiệt" chiến sự Nga - Ukraine, vốn đã bước sang tháng thứ hai mà chưa có dấu hiệu kết thúc.
Các bộ trưởng sẽ thảo luận về những khái niệm chiến lược sẽ giải thích cho cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine. NATO cũng sẽ lần đầu tiên thảo luận về "ảnh hưởng ngày càng gia tăng và chính sách của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu đặt ra thách thức có hệ thống đối với an ninh của chúng ta và đối với các nền dân chủ".
Ông Stoltenberg bày tỏ hy vọng rằng NATO sẽ có thể tăng cường hợp tác với các đối tác châu Á - Thái Bình Dương trong các lĩnh vực như "kiểm soát vũ khí, không gian mạng, công nghệ".
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Trung Quốc đã duy trì quan điểm trung lập, kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Trong những tuần qua, Mỹ đã gia tăng áp lực để kêu gọi Trung Quốc chọn bên. Mỹ cũng cảnh báo Trung Quốc có thể phải chịu hậu quả nếu hỗ trợ Nga trong chiến sự ở Ukraine.
Trong diễn biến mới nhất, ông Stoltenberg nhận định, các đồng minh NATO sẽ chào mừng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối nếu hai nước này nộp đơn. Động thái này được xem có thể sẽ khiến Nga không vừa lòng vì nó đồng nghĩa với việc NATO sẽ có thể tiến sát tới cửa ngõ của Nga, điều khiến Moscow nhiều lần lo ngại.