NATO thảo luận về việc đặt vũ khí hạt nhân trong tình trạng báo động
(Dân trí) - NATO cho biết họ đã bắt đầu thảo luận về phương án đặt vũ khí hạt nhân của khối vào tình trạng báo động.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với báo Telegraph rằng các quốc gia thành viên NATO đã bắt đầu tham vấn về sự cần thiết phải đặt vũ khí hạt nhân trong tình trạng báo động.
Ông nói: "Tôi sẽ không đi vào chi tiết về số lượng đầu đạn hạt nhân sẽ được vận hành và đầu đạn nào sẽ được cất giữ, nhưng chúng tôi cần tham khảo ý kiến về những vấn đề này. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm".
Người đứng đầu NATO nói thêm rằng sự minh bạch về vấn đề này "giúp truyền đạt thông điệp trực tiếp" rằng NATO là một "liên minh hạt nhân".
"Mục tiêu của NATO tất nhiên là một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại, chúng ta sẽ vẫn là một liên minh hạt nhân, bởi vì một thế giới mà Nga, Trung Quốc và Triều Tiên có vũ khí hạt nhân còn NATO thì không, là một thế giới thế giới nguy hiểm hơn", ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Ông Stoltenberg đặc biệt quan ngại về Trung Quốc, quốc gia đang đầu tư mạnh vào vũ khí tiên tiến và được dự đoán sẽ tăng số lượng đầu đạn hạt nhân lên 1.000 vào năm 2030.
"Và điều đó có nghĩa là trong một tương lai không xa, NATO có thể phải đối mặt với điều gì mà khối chưa từng gặp phải trước đây. Đó là 2 đối thủ tiềm tàng có (lượng lớn) vũ khí hạt nhân Trung Quốc và Nga. Tất nhiên, điều này sẽ gây ra hậu quả", người đứng đầu NATO cảnh báo.
Ông Stoltenberg nói thêm rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ. Ông nói: "Mỹ đang hiện đại hóa bom trọng lực cho các đầu đạn hạt nhân mà họ đặt ở châu Âu và các đồng minh châu Âu đang hiện đại hóa các máy bay sẽ được dành riêng cho sứ mệnh hạt nhân của NATO".
Theo Telegraph, Anh đã triển khai khoảng 40 trong số 225 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có 1.700 đầu đạn triển khai (và 3.700 đầu đạn dự trữ). Đồng thời, báo Anh nhấn mạnh rằng Pháp "không kết nối kho vũ khí nguyên tử của riêng mình cho liên minh vì quyết định lâu dài là duy trì sự độc lập trước khả năng răn đe của chính mình".
Bình luận về tình hình Ukraine, ông Stoltenberg kêu gọi các nước phương Tây tiếp tục hỗ trợ Kiev. Ông cho rằng: "Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng nếu Nga thắng thế ở Ukraine, chúng ta sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn và khi đó chúng ta sẽ cần đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng của mình".
Nga nhiều lần khẳng định không có kế hoạch tấn công vào NATO, nhấn mạnh rằng họ không được lợi gì từ việc này.
Moscow coi toàn bộ cuộc xung đột ở Ukraine là một phần của cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ khởi xướng chống lại Nga. Nga chỉ trích sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của NATO ở Ukraine.
Các quan chức cấp cao của Nga tuyên bố rằng, việc các quốc gia thành viên NATO trang bị vũ khí cho Ukraine, cung cấp "lính đánh thuê" để tăng cường quân đội và giúp Kiev lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công chống lại phía Moscow trên thực tế cho thấy phương Tây là bên tham gia vào cuộc chiến.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào sử dụng vũ khí của phương Tây vào sâu bên trong nước Nga sẽ bị trả đũa.