1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi rút khỏi NATO nếu Phần Lan, Thụy Điển gia nhập

Minh Phương

(Dân trí) - Ankara tiếp tục khẳng định lập trường rằng Phần Lan, Thụy Điển không thể gia nhập NATO khi các quan ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ chưa được đáp ứng.

Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi rút khỏi NATO nếu Phần Lan, Thụy Điển gia nhập - 1

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận với phái đoàn Phần Lan ở Ankara ngày 25/5 (Ảnh: AP).

Hãng tin Hurriyet dẫn lời ông Devlet Bahceli, người đứng đầu Đảng Phong trào Dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 24/5 cho biết, nước này sẽ cân nhắc rút khỏi NATO nếu liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt không đáp ứng được các yêu cầu của Ankara liên quan đến việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển.

"Thổ Nhĩ Kỳ không phải là không có phương án riêng, kể cả phương án rời NATO. Chúng ta tồn tại không phải vì có NATO, chúng ta vẫn ổn mà không cần NATO", ông Bahceli nói.
Ankara tiếp tục phản đối kế hoạch kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO. Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, cho biết nước này sẽ không ủng hộ hai nước Bắc Âu gia nhập NATO nếu không có kế hoạch giải quyết lo ngại an ninh của Ankara.

"Chúng tôi đã phát đi những thông điệp rất rõ ràng rằng quá trình này sẽ không có tiến triển trừ khi mối lo ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ được giải quyết bằng hành động và thời gian cụ thể. Nếu những lo ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ không được đáp ứng, bất cứ quá trình mở rộng nào của NATO cũng không thể tiếp tục. NATO là một tổ chức an ninh, do vậy, nhưng lo ngại an ninh của quốc gia thành viên phải được đáp ứng một cách bình đẳng", ông Kalin nhấn mạnh.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Thụy Điển và Phần Lan ngày 25/5 đã cử phái đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thuyết phục Ankara. Để được kết nạp vào NATO, Phần Lan và Thụy Điển cần sự ủng hộ của toàn bộ 30 thành viên của liên minh này. Phái đoàn hai bên sẽ trở về nước để thảo luận những yêu cầu mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra.

Trước đó, hôm 23/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã gửi bản đề nghị gồm 5 điểm tới Thụy Điển, trong đó có chấm dứt hỗ trợ tài chính, cung cấp vũ khí, ủng hộ chính trị cho các nhóm người Kurd ở Syria.

Theo RT