DNews

NATO đứng trước những thách thức bủa vây sau 75 năm thành lập

An Hoàng

(Dân trí) - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không ngừng mở rộng trong hành trình 75 năm thành lập, nhưng cùng với đó, liên minh này cũng đối mặt không ít thách thức trong tình hình mới.

NATO đứng trước những thách thức bủa vây sau 75 năm thành lập

Năm 2024 đánh dấu 75 năm thành lập NATO, liên minh quân sự gồm 32 thành viên do Mỹ dẫn dắt. Liên minh này tiếp tục chứng kiến sự mở rộng và đổi mới, gần đây nhất là sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển.

Tuy nhiên, trong tình hình mới, NATO cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới, từ cuộc chiến ở Ukraine cho đến nguy cơ tan rã.

Hội nghị thượng đỉnh NATO từ ngày 9/7 đến 11/7 tại Washington (Mỹ) diễn ra vào mốc kỷ niệm 75 năm ngày thành lập liên minh. Đây không phải là một cuộc họp thường kỳ mà là những bước ngoặt quan trọng trong quá trình ra quyết định của liên minh. Ví dụ, các hội nghị thượng đỉnh được sử dụng để giới thiệu chính sách mới, mời thành viên mới gia nhập liên minh, đưa ra các sáng kiến lớn và củng cố quan hệ đối tác.  

Có 3 mục tiêu chính trong Hội nghị thượng đỉnh NATO 2024 lần này.

Thứ nhất là đưa Ukraine đến gần hơn với NATO. Điều này được thể hiện qua tiêu đề chính thức của hội nghị thượng đỉnh Washington năm 2024 là "Ukraine và an ninh xuyên Đại Tây Dương".

Thứ hai là tiếp tục tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của NATO bằng việc tăng chi tiêu quốc phòng và mua sắm thiết bị quân sự mới - như Jens Stoltenberg - Tổng Thư ký NATO phát biểu tại phiên họp của NATO ở Sofia vào tháng 5 năm 2024.

Thứ ba là các vấn đề về quan hệ đối tác toàn cầu của NATO, đặc biệt là với châu Á Thái Bình Dương, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc. Về mặt chiến lược, điều này sẽ giúp NATO sẵn sàng cạnh tranh chiến lược lâu dài với Nga và Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và liên minh phải đối mặt với một loạt thách thức gây chia rẽ như: chiến sự ở Ukraine và Gaza, sự phụ thuộc vào Mỹ, sự nổi lên của phe chính trị cực hữu, chủ nghĩa dân túy ở châu Âu và sự lớn mạnh của Trung Quốc.

Thách thức từ các cuộc xung đột toàn cầu

NATO đứng trước những thách thức bủa vây sau 75 năm thành lập - 1

Cuộc xung đột Ukraine và cuộc chiến ở Dải Gaza khiến NATO thêm chia rẽ (Ảnh: AFP).

Ukraine được cho là trọng tâm hàng đầu và cũng là nhân tố khiến cho các quốc gia NATO gặp thách thức trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Trong hoàn cảnh Nga ngày càng chiếm ưu thế trên chiến trường, các quốc gia NATO cần có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ Ukraine mà không trực tiếp tham chiến. 

Mặc dù một số thành viên liên minh, đặc biệt là các thành viên ở Đông Âu, đã thúc đẩy việc Kiev gia nhập NATO, nhưng họ thừa nhận rằng kịch bản đó là không thể trước khi xung đột kết thúc do lo ngại sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến.

Điều này buộc NATO phải tìm kiếm một mức độ trung gian nào đó, chưa phải cung cấp tư cách thành viên nhưng cũng đủ vững chắc để chứng tỏ rằng họ sẽ ủng hộ Ukraine "trong một thời gian dài" như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng tuyên bố.

Mỹ và Đức vẫn phản đối đề nghị cho phép Ukraine đàm phán tư cách thành viên NATO như đã làm tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái ở Vilnius, nhưng họ vẫn muốn cung cấp cho Ukraine những cam kết cụ thể trong khả năng của mình. Trước vấn đề trên, ông Stoltenberg đưa ra 2 đề xuất tại một cuộc họp tháng 4 để tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine mà ông hy vọng có thể được thông qua kịp thời cho hội nghị tháng 7.

Đầu tiên là yêu cầu NATO nói chung chứ không chỉ Mỹ phải chịu trách nhiệm điều phối việc viện trợ và chuyển vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, điều này đã vấp phải phản đối từ Hungary và các đồng minh khác vì khả năng kéo liên minh này trực tiếp hơn vào cuộc chiến.

Giải pháp còn lại là cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ 100 tỷ USD trong 5 năm. Mặc dù vậy, đề xuất này cũng vấp phải trở ngại vì không rõ làm thế nào NATO có thể buộc các thành viên đóng góp.

Ngoài 2 đề xuất trên của ông Stoltenberg, tháng 5 vừa qua, các nước NATO còn đưa ra những thay đổi về chính sách liên quan đến việc sử dụng vũ khí.

Ở châu Âu, Anh, Phần Lan, và Ba Lan lần lượt tuyên bố rằng Ukraine có thể tấn công các mục tiêu quân sự hợp lệ bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do họ viện trợ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nới lỏng hạn chế, cho phép Kiev sử dụng vũ khí của Mỹ trong các cuộc tấn công quân sự hạn chế nhằm vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Washington vẫn từ chối đề nghị cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa nhằm vào Nga do lo ngại leo thang căng thẳng với Moscow.

Vạch giới hạn đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ vẫn gây tranh cãi nội bộ NATO. Trong khi một số nước ủng hộ nới lỏng quy định, số khác như Bỉ và Italy kịch liệt phản đối cung cấp vũ khí cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga.

Như vậy, khó khăn của NATO với tình hình Ukraine hiện nay là làm sao hỗ trợ được Ukraine một cách hiệu quả, nhưng không gây ra xung đột với Nga. Bởi một khi Ukraine trở thành thành viên NATO, ngay lập tức điều 5 trong hiệp ước sẽ khiến cho xung đột lan rộng ra châu Âu hoặc thậm chí trở thành thế chiến.

Không chỉ Ukraine, chiến sự tại Gaza cũng đã gây ra bất đồng trong nội khối NATO về lập trường ủng hộ Israel. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Israel trong cuộc chiến ở Gaza đã kéo theo sự chia rẽ giữa Washington và một số nước châu Âu. Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha gần đây đã công nhận một nhà nước Palestine. Anh, Pháp và Đức bất đồng ngày càng tăng với cách Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại Gaza.

Cuối tháng 5 vừa qua, Pháp lên tiếng ủng hộ Tòa án Hình sự Quốc tế khi công tố viên đề xuất lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel và Hamas.

Cuộc chiến Israel - Hamas đã phơi bày những rạn nứt lâu dài giữa các thành viên của NATO, khiến các thành viên ủng hộ Israel như Cộng hòa Séc và Hungary chống lại các thành viên ủng hộ Palestine như Tây Ban Nha, Bỉ và Ireland. Điều đó thường xuyên cản trở những nỗ lực trong quá khứ để đạt được sự đồng thuận về các vấn đề như yêu cầu ngừng bắn.

Sự phụ thuộc vào Mỹ

NATO đứng trước những thách thức bủa vây sau 75 năm thành lập - 2

NATO đối mặt nguy cơ rạn nứt nếu ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ (Ảnh: NZ).

Một vấn đề khác gây rạn nứt NATO là sự phụ thuộc của liên minh này vào Mỹ. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới được cho là sẽ có quyết định rất lớn đến mối quan hệ giữa Mỹ và các thành viên NATO còn lại, đặc biệt nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.

Cái bóng của ông Trump đối với các sự kiện của NATO là không thể tránh khỏi. Thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO trùng thời điểm tòa tuyên án ông Trump về cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh. Việc tuyên án ông Trump sẽ là một sự xao lãng không đúng lúc khỏi cuộc họp của NATO.

Ông Trump từ lâu cho thấy thái độ không mặn mà với NATO. Đầu năm nay, ông tuyên bố, nếu tái đắc cử, ông sẽ khuyến khích Nga làm "bất cứ điều gì họ muốn" đối với các thành viên NATO không đóng góp công bằng.

Peter Westmacott, người từng là đại sứ Anh tại Mỹ, cho biết: "Châu Âu phải hiểu rằng, nếu không có nỗ lực lớn hơn từ phía họ, Mỹ có thể sẽ rút khỏi liên minh một cách đáng kể, đặc biệt nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1".

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực hữu

NATO đứng trước những thách thức bủa vây sau 75 năm thành lập - 3

Chính trị gia Le Pen ở Pháp phản đối kế hoạch kết nạp Ukraine vào NATO và EU, cũng như việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và cung cấp vũ khí cho Ukraine (Ảnh: Reuters).

Rạn nứt nội bộ NATO có thể ngày càng lớn cùng với sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và cực hữu ở châu Âu.

Không chỉ mâu thuẫn lợi ích giữa Mỹ và các quốc gia NATO khác mà sự mâu thuẫn về ý thức hệ và lợi ích trong chính khối các quốc gia châu Âu khiến cho sự thống nhất trong khối ngày càng lung lay.

Phe cực hữu ở châu Âu có xu hướng tập trung vào chỉ trích chính sách chung của EU. Do vậy, những lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đang lan rộng khắp châu Âu.

Các đảng cực hữu đã giành được thắng lợi lớn trong các cuộc bầu cử Nghị viện EU hồi tháng 6 vừa qua. Những kết quả này không có nghĩa là cánh hữu nắm quyền kiểm soát Nghị viện châu Âu hoặc các chính sách sẽ thay đổi đột ngột. Tuy nhiên, theo thời gian, có thể sẽ có những thay đổi chính sách, đặc biệt là các chính sách về biến đổi khí hậu, di cư và ở một mức độ nào đó là quốc phòng của EU.

Sự ủng hộ dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga có thể bị ảnh hưởng. "Đã có sự mệt mỏi vì chiến tranh kéo dài quá lâu. Tôi nghĩ người Ukraine sẽ lo lắng trước sự trỗi dậy của một số đảng phái này", giáo sư McDonnell nói.

Ví dụ rõ nhất là bà Marie Le Pen của đảng Tập hợp Quốc gia ở Pháp và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Bà Le Pen luôn phản đối kế hoạch kết nạp Ukraine vào NATO và EU, cũng như việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Những thách thức từ bên ngoài đã làm sâu sắc hơn các mâu thuẫn lợi ích vốn có trong khối. Cho tới nay, nhìn chung NATO vẫn phải đối mặt với một số thách thức.

Thứ nhất, không phải lúc nào cũng có sự thống nhất lợi ích giữa các quốc gia thành viên. Hai cuộc chiến gần đây, đặc biệt là chiến sự Nga - Ukraine đã đặt ra bài toán thôi thúc các quốc gia châu Âu trong NATO cần phải tự chủ chiến lược hơn nữa.

Về mặt lợi ích chiến lược, mặc dù yêu cầu các thành viên đóng góp công bằng hơn cho các chi phí của tổ chức, Mỹ vẫn không muốn một châu Âu lớn mạnh làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở trong NATO.

Thứ hai, trong khi cuộc chiến Nga - Ukraine củng cố mong muốn của châu Âu về chủ quyền chiến lược nhưng ngược lại nó làm tăng sự phụ thuộc chiến lược của châu Âu vào Mỹ.

Châu Âu đang đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng của mình, nhưng họ cũng mua rất nhiều thiết bị của Mỹ. Trên thực tế, dù ông Trump hay ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay, Mỹ sớm hay muộn cũng sẽ yêu cầu châu Âu phải gánh vác một phần lớn hơn chi phí an ninh.

Thứ ba, trong khi sự xuất hiện của các quốc gia mới trong NATO giúp củng cố khả năng quân sự và vị thế địa chính trị của tổ chức này, nó cũng đòi hỏi sự thay đổi về mặt chiến thuật. NATO đang trở thành một hệ thống đa trung tâm, điều này gây khó khăn trong việc xây dựng sự đồng thuận.

Ngoài ra, vẫn còn một số vấn đề rất nhạy cảm trong liên minh, với trường hợp như với Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và Ba Lan là những quốc gia có lập trường không rõ ràng trước nhiều vấn đề của khối.

"Chìa khóa" của NATO

NATO đứng trước những thách thức bủa vây sau 75 năm thành lập - 4

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) cùng Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Robert Habeck tham dự một phiên họp tại Hạ viện Đức nhân kỷ niệm 75 năm thành lập NATO (Ảnh: Reuters).

Trong hoàn cảnh NATO đang phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ, thêm vào đó là khả năng Mỹ rút khỏi liên minh nếu ông Trump đắc cử, nhiều khả năng các quốc gia châu Âu sẽ phải xây dựng chính sách tự chủ hơn.

Cho tới nay, hơn một nửa số quốc gia thành viên đã dành ít nhất 2% GDP của họ để đầu tư vào quốc phòng, điều này cho thấy rõ ràng rằng các nước trong NATO ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc đáp ứng nguyên tắc chi tiêu 2% của liên minh. Hơn nữa, sự lo ngại mối đe dọa từ Nga đã khiến các nước châu Âu phải xích lại gần nhau và tăng cường hệ thống phòng thủ.

Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington sắp tới sẽ mang đến một cơ hội mới để NATO xem xét lại các vấn đề liên quan tới Ukraine.

Thực tế, mời Ukraine gia nhập không có nghĩa là Ukraine sẽ gia nhập NATO vào nay mai. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là NATO sẽ có thể hợp tác chặt chẽ hơn với Ukraine về những cải cách cần thiết để Ukraine gia nhập.

Vào thời điểm hỗ trợ quân sự và tài chính đang chao đảo, NATO có thể cung cấp cho Ukraine một cứu cánh bằng cách đơn giản là gia hạn lời mời và bắt đầu quá trình gia nhập. Đây là một giải pháp để có thể giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan của NATO trong việc đảm bảo hỗ trợ Ukraine một cách hiệu quả mà không trực tiếp tham chiến với Nga.

Hội nghị thượng đỉnh sẽ là một cơ hội để NATO chứng minh vai trò của mình trong đảm bảo an ninh và thịnh vượng. NATO là xương sống trong cấu trúc liên minh của Mỹ, một diễn đàn thiết yếu để giải quyết những thách thức chung.

Đối với một số nước châu Âu, hội nghị thượng đỉnh Washington được coi là cơ hội tiềm năng ngắn hạn cuối cùng để củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Theo Vox, Atlantic Council