1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO: Châu Âu sẽ trả tiền mua vũ khí Mỹ để viện trợ cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - NATO cam kết châu Âu sẽ trả tiền để mua vũ khí do Mỹ sản xuất nhằm viện trợ Ukraine đối phó Nga.

NATO: Châu Âu sẽ trả tiền mua vũ khí Mỹ để viện trợ cho Ukraine - 1

Tổng thư ký NATO Mark Rutte (Ảnh: Reuters).

Tổng thư ký NATO Mark Rutte hôm 23/1 đã kêu gọi Mỹ tiếp tục cung cấp viện trợ cho Ukraine và cho biết châu Âu sẽ chịu trách nhiệm thanh toán chi phí này.

Phát biểu tại một sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh rằng liên minh này cần đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng, tăng cường sản xuất công nghiệp quốc phòng và gánh vác một phần chi tiêu lớn hơn để hỗ trợ Ukraine.

"Về vấn đề Ukraine, chúng ta cần Mỹ tiếp tục tham gia. Nếu chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump sẵn sàng tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine từ cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình, châu Âu sẽ thanh toán hóa đơn này, tôi hoàn toàn tin tưởng điều này, và chúng ta phải sẵn sàng làm điều đó", ông tuyên bố.

Những bình luận của Tổng thư ký NATO được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần này tuyên bố rằng Liên minh châu Âu cần làm nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine.

Tại Davos, ông Rutte cũng cho biết việc Nga không giành chiến thắng ở Ukraine là rất quan trọng.

"Chúng ta thực sự cần phải tăng cường hỗ trợ và không được giảm bớt sự giúp đỡ đối với Ukraine. Chiến tuyến hiện đang dịch chuyển theo chiều hướng không mong muốn", ông nói thêm.

Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt tổng cộng hơn 175 tỷ USD viện trợ cho Kiev kể từ khi xung đột với Nga leo thang vào tháng 2/2022, trong đó 65,9 tỷ USD là viện trợ quân sự trực tiếp, theo dữ liệu mới nhất từ Lầu Năm Góc.

Việc Mỹ chi tiêu cho Ukraine gần đây đã bị tân Ngoại trưởng Marco Rubio chỉ trích. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tuần trước, ông Rubio tuyên bố rằng Mỹ không nên tiếp tục hỗ trợ vô thời hạn cho Kiev và chỉ trích chính quyền ông Biden vì không làm rõ mục tiêu cuối cùng của các khoản tiền đang được đổ vào cuộc chiến.

"Chúng ta đang tài trợ cho điều gì? Tiền của chúng ta đang được chi tiêu vào đâu?", ông đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng cách tiếp cận hiện tại theo cơ chế "chi bao nhiêu, kéo dài bao lâu cũng được" là không thực tế.

Những động thái gần đây từ chính quyền tân Tổng thống Donald Trump cho thấy Mỹ có thể sẽ giảm bớt viện trợ cho Ukraine trong tương lai. Ông Trump cũng có quan điểm "Nước Mỹ là trên hết", với xu hướng sẽ tập trung ưu tiên các vấn đề nội bộ trong nước.

Trong khi đó, trong tuần này, bà Kaja Kallas, Cao ủy Liên minh Châu Âu về Đối ngoại và Chính sách An ninh, tin rằng Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga nếu nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ EU.

Bà Kallas cho biết EU đã phân bổ 134 tỷ euro cho Ukraine, trong đó 50 tỷ euro dành cho vũ khí. Số binh sĩ Ukraine được các quốc gia EU huấn luyện dự kiến sẽ đạt 75.000 người vào cuối tháng 1.

Bà Kallas khẳng định EU cần cho Nga thấy Moscow đang không thành công và phải ngăn chặn nguy cơ Nga tấn công một nước châu Âu khác. Trước đó, Nga nhiều lần tuyên bố không có ý định tấn công các nước NATO vì điều đó không mang lại lợi ích gì cho Moscow. 

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine