Năm loại vũ khí NATO có thể trông cậy để đối phó với Nga
Để đối phó với “những mối nguy” mà NATO cáo buộc Nga có thể gây ra cho khối này, NATO hoàn toàn có thể trông cậy vào 5 loại vũ khí dưới đây.
Theo tạp chí National Interest, các quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ ngày càng tỏ ra lo ngại trước “sự trỗi dậy” của Nga và “những mối đe dọa” mà họ cho rằng Nga có thể gây ra tại châu Âu.
Theo các quan chức nói trên, trong vòng 2 năm qua, Nga đang “hành động một cách ngày càng hiếu chiến” ở Ukraine bằng việc tăng cường hoạt động tuần tra bằng các máy bay ném bom và tàu ngầm.
Các quan chức NATO, bao gồm Phó Đô đốc Clive Johnstone, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Hải quân NATO, đã tố cáo các hoạt động của tàu ngầm Nga tại khu vực Bắc Đại Tây Dương “nhộn nhịp hơn bao giờ hết”.
Các chuyên gia cho rằng, để có thể đối phó với Nga, NATO có thể trông cậy vào 5 loại vũ khí sau:
Tàu ngầm lớp Virginia
Trong khi Nga đã đầu tư vào một trong số những loại tàu ngầm cực mạnh, Hải quân Mỹ và hạm đội tàu ngầm lớp Virgina của mình vẫn đang thống trị khu vực Đại Tây Dương. Hơn thế nữa, số lượng tàu ngầm trong hạm đội này vẫn sẽ tăng lên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, khoản ngân sách để đóng tàu ngầm mới nhất trị giá 8,1 tỷ USD vào năm 2017 và 40 tỷ USD cho 5 năm kế tiếp sẽ tạo điều kiện cho Mỹ sở hữu lực lượng tàu ngầm đáng sợ nhất thế giới.
“Không chỉ mua thêm 9 tàu ngầm tấn công tối tân lớp Virginia trong vòng 5 năm tới, chúng tôi còn trang bị cho 9 tàu ngầm này hệ thống nạp đạn thẳng đứng Virginia giúp tăng số lượng tên lửa Tomahawk mà mỗi tàu ngầm này có thể phóng được từ 12 lên 40”, ông Carter nói.
Siêu chiến đấu cơ tàng hình F-35
Dù siêu chiến đấu cơ đa nhiệm F-35 do hãng Lockheed Martin chế tạo đã nhiều lần bị lỡ tiến độ do vẫn còn quá nhiều lỗi kỹ thuật, chi phí phát triển và sản xuất vượt quá dự tính ban đầu và không thể sở hữu năng lực mà quân đội Mỹ mong muốn, siêu chiến đấu cơ tàng hình F-35 vẫn được coi là loại vũ khí đáng sợ.
F-35 không phải là chiến đấu cơ bay nhanh nhất, linh hoạt nhất hay được trang bị vũ khí mạnh nhất. Thậm chí, ở nhiều thông số khác, chiến đấu cơ này còn “hụt hơi” trước một số mẫu chiến đấu cơ hiện tại và thậm chí là những thế hệ trước nữa. Tuy nhiên, F-35 vẫn có những thế mạnh riêng của mình.
Thế mạnh đáng chú ý nhất của F-35 chính là khả năng tàng hình và những cảm biến được lắp đặt trên máy bay cho phép F-35 có thể tấn công và xuyên phá vào các khu vực mà các chiến đấu cơ thông thường không thể thực hiện được. Ngoài ra, F-35 còn có thể giúp thu thập rất nhiều hình ảnh chi tiết về khu vực đó. Hơn thế nữa, F-35 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử cực mạnh và thực sự hữu ích.
Dù chưa hẳn là loại máy bay hoàn hảo thậm chí là tốt, F-35 vẫn là loại máy bay mà Mỹ lựa chọn để đầu tư sản xuất. Chính vì vậy, Mỹ và các đồng minh của mình sẽ tìm cách để chiếc máy bay này hoạt động hiệu quả, đặc biệt là ở châu Âu.
Máy bay ném bom tầm xa
Với việc Nga đang tập trung phát triển hệ thống phòng không, đặc biệt là loại radar tần số thấp có khả năng phát hiện các máy bay chiến đấu tàng hình, chương trình phát triển máy bay ném bom tầm xa của Mỹ trong thập kỷ tới sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đe dọa các mục tiêu nằm sâu trong lòng nước Nga.
Dù chương trình phát triển máy bay ném bom tầm xa vẫn còn nằm trong vòng bí mật, những thông tin ban đầu cho thấy, mẫu máy bay này có thể đi vào khu vực có lưới phòng không dày đặc kể cả những nơi có sự hỗ trợ của các hệ thống radar tần số thấp.
Xe tăng Đức Leopard 2
Leopard 2A7 là mẫu xe tăng mới nhất trong số rất nhiều dòng tăng do Đức thiết kế và chế tạo, bao gồm cả mẫu xe tăng trứ danh Panzerkampfwagen I. Leopard 2A7 được cho là sẽ trở thành xương sống trong quân đội Đức và các quốc gia thành viên NATO.
Dù được đưa vào biên chế quân đội các quốc gia NATO từ năm 1979, trong nhiều năm qua, Leopard 2 đã được cải tiến với pháo L55 dài hơn và có khả năng tiêu diệt các loại xe tăng địch có giáp rất mạnh.
Một trong những hạn chế của Leopard 2 là việc Đức từ chối sử dụng urani nghèo để chế tạo đạn pháo cho mẫu xe tăng này. Điều này đồng nghĩa với việc Quân đội Đức buộc phải tìm loại vật liệu khác để thay thế.
Vật liệu mà quân đội Đức lựa chọn là tungsten- một loại vật liệu không thể tạo ra sức công phá như urani nghèo được sử dụng để chế tạo đạn pháo M829A3 hay M829E4 trong tương lai của Mỹ.
Sự hạn chế của đạn pháo sử dụng tungsten khiến nhiều chuyên gia hoài nghi về việc loại đạn pháo này có thể xuyên phá được lớp giáp của các mẫu xe tăng mới nhất của Nga hay không. Thậm chí, nhiều thử nghiệm cho thấy, đạn pháo của Đức không đủ tiêu diệt xe tăng T-80, T-90 và T-14 Armata của Nga.
Trực thăng AH-64E Apache
Trực thăng tấn công AH-64A Apache do hãng Boeing chế tạo được giới thiệu lần đầu vào năm 1986 như loại vũ khí có thể ngăn chặn các loại xe thiết giáp của Liên Xô.
Loại trực thăng này tỏ ra đặc biệt hữu dụng và được mệnh danh là “sát thủ xe tăng” trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 sau khi tiêu diệt gần như toàn bộ lực lượng xe tăng Iraq.
Kể từ đó, trực thăng Apache đã trải qua rất nhiều đợt nâng cấp và được trang bị thêm nhiều loại vũ khí cũng như cảm biến hiện đại. Các mẫu trực thăng Apache mới nhất vẫn mang theo 16 tên lửa chống tăng Hellfire hoặc số lượng vũ khí tương đương đủ để xóa sạch một đại đội xe tăng chỉ với một loạt bắn đầu tiên.
Dù Apache gần đây thường chỉ được sử dụng trong các cuộc chiến tranh chống lại phiến quân ở Iraq và Afghanistan, loại trực thăng này vẫn duy trì được danh tiếng “sát thủ xe tăng” của mình./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN