1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO "vừa đấm, vừa xoa" Nga

Tại cuộc họp kín diễn ra hôm 21-1 ở Brussels (Bỉ), các quan chức hàng đầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí những thay đổi chiến lược trong liên minh quân sự này để đối phó tốt hơn với Nga và các thách thức an ninh khác.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo diễn ra ngay sau đó, phía NATO lại bày tỏ ý muốn nối lại đối thoại với Nga vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 tới, sau 20 tháng Hội đồng NATO - Nga ngừng các hoạt động đối thoại.

Phát biểu tại buổi họp kín, Tư lệnh các lực lượng thuộc NATO ở châu Âu (SACEUR), Tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove cho biết các quan chức NATO “sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề liên quan đến mức độ sẵn sàng và ứng phó để giúp quân đội chúng tôi có thể đối phó tốt hơn với tất cả mọi thách thức từ Bắc Cực đến Trung Đông và Bắc Phi”, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải tiếp tục tập trung vào mục tiêu chiến lược của mình: bảo vệ hệ thống an ninh trước những kẻ muốn phá hủy nó”.

Bên cạnh đó, NATO cũng đang cân nhắc điều chỉnh về quy cách ra các quyết định quân sự và chính trị để có thể ứng phó một cách nhanh nhất. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Tướng Petr Pavel cho biết, cuộc họp kín này là nhằm tư vấn cho các chính phủ thành viên NATO chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của liên minh này tại Warszawa (Ba Lan) vào tháng 7.

Tướng Pavel đồng thời khẳng định, nhiệm vụ quan trọng nhất đối với các nhà lãnh đạo quân sự và cố vấn cho nguyên thủ quốc gia là “chèo lái các con thuyền qua những vùng biển dữ”.

NATO "vừa đấm, vừa xoa" Nga - 1

Cuộc họp kín của NATO tại Brussels hôm 21-1.

Ông Pavel còn xác nhận rằng, kể từ khi tiếp nhận vai trò lãnh đạo Ủy ban Quân sự NATO từ tháng 6-2015, ông đã vài lần tìm cách trao đổi với các tướng lĩnh của Nga nhưng chưa tìm thấy sự đồng điệu. Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp báo sau đó, ông Pavel tuyên bố NATO muốn nối lại đối thoại với Nga vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 tới, sau 20 tháng Hội đồng NATO - Nga ngừng các hoạt động đối thoại (từ ngày 1-4-2014 sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea).

Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tiết lộ liên minh quân sự này đã quyết định duy trì các kênh tiếp xúc chính trị cởi mở với Nga. Liên quan tới vấn đề này, hôm 19-1, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố Berlin hoàn toàn ủng hộ việc nối lại các cuộc đối thoại với Nga trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO, đồng thời cho biết bản thân ông trong cuộc họp gần đây của Hội đồng NATO cũng đã tìm cách nối lại hoạt động của Hội đồng Nga - NATO.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức sẽ phải mất thời gian để có thể trở lại các cuộc đối thoại của Hội đồng Nga - NATO ở cấp Đại sứ tại Brussels. Ngoại trưởng Đức còn cho biết thêm rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã bày tỏ mong muốn nối lại khuôn khổ đối thoại của Hội đồng Nga - NATO. Theo ông Steinmeier, NATO và Nga cần có nhiều kênh đối thoại hơn để tránh những hiểu nhầm.

Về phía Nga, Tư lệnh Lục quân Nga, Đại tướng Oleg Salyukov ngày 22-1 cho biết nước này sẽ thành lập bốn sư đoàn mới trong năm nay để tăng cường cho các quân khu miền Tây và miền Trung nhằm đáp trả việc các quốc gia thành viên NATO gia tăng các cuộc tập trận trong thời gian gần đây.

Trước đó, hôm 19-1, Nhật báo Novaya Gazeta của Nga đưa tin, quân đội nước này đang có kế hoạch triển khai lực lượng bổ sung và vũ khí hiện đại đến khu vực Tây Nam đất nước. Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng đang lên kế hoạch thử nghiệm các lực lượng, vũ khí và cơ sở hạ tầng mới triển khai ở khu vực giáp Biển Đen trong cuộc tập trận Caucasus-2016 dự kiến diễn ra vào tháng 9 năm nay.

Novaya Gazeta cho rằng, kế hoạch tăng cường lực lượng này là nhằm đối phó với kế hoạch của NATO tăng cường hiện diện ở khu vực cũng như việc khối này tiếp tục hỗ trợ củng cố năng lực cho quân đội Ukraine.

Theo chuyên gia quân sự của Novaya Gazeta -  Đại úy Hải quân Oleg Shvedkov, trên thực tế, mặc dù sức mạnh tổng hợp của NATO với các đồng minh vượt trội hơn Hạm đội Biển Đen của Nga, nhưng việc Nga triển khai thêm máy bay, tên lửa đến khu vực sẽ giúp vô hiệu hóa thành công mối đe dọa mới.

Theo số liệu do Người phát ngôn Hạm đội Biển Đen Vyacheslav Trukhachov cung cấp, chỉ riêng trong năm 2015, ít nhất 15 tàu tấn công mới của Nga đã đến Biển Đen. Trong số này có 2 tàu mang tên lửa và 2 tàu ngầm được trang bị tên lửa hành trình tối tân nhất là Kalibr-NK, có tầm bắn lên tới 3.000km. Ngoài ra, các đơn vị chiến đấu ở Bắc Caucasus và Rostov được trang bị trực thăng tấn công có khả năng kiểm soát toàn khu vực Biển Đen.

Trong khi đó, cơ quan báo chí của Quân khu miền Nam của Nga cho biết thêm rằng, các đơn vị được triển khai ở Bắc Caucasus và Rostov còn được trang bị máy bay chiến đấu có khả năng kiểm soát cả một vùng lãnh thổ ở Biển Đen. Hơn nữa, Quân khu miền Nam cũng sở hữu 2 sư đoàn tên lửa đạn đạo Iskander-M có tầm hoạt động 500km và có thể xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.

Theo Khổng Hà

Công an nhân dân