Myanmar giữa những ngày "giông bão"
(Dân trí) - Cuộc sống của người dân Myanmar thay đổi hoàn toàn sau ngày đảo chính, khi tâm lý bất an bao trùm khắp cả nước trong suốt hơn một tháng khủng hoảng.
Hơn một tháng kể từ khi đảo chính quân sự xảy ra tại Myanmar hồi đầu tháng 2, người dân nước này vẫn đang từng ngày đối mặt với cuộc sống bị cắt Internet, những cuộc đột kích trong đêm hay những vụ bắt giữ của cảnh sát. Họ bị rượt đuổi, bị tấn công, thậm chí bị trúng đạn từ lực lượng an ninh.
Hàng chục người thiệt mạng trong chưa đầy một tuần. Ít nhất 38 người đã chết trong ngày biểu tình "đẫm máu nhất". Một cô gái trẻ, mặc chiếc áo in dòng chữ "Mọi việc sẽ ổn", qua đời sau khi bị trúng đạn.
Cuộc sống của người dân Myanmar thay đổi chỉ sau một đêm, khi các nhà lãnh đạo của chính quyền dân sự bị bắt giữ và binh lính được triển khai trên khắp nẻo đường.
"Sau khi thức dậy và biết rằng thế giới của bạn đã hoàn toàn bị đảo lộn chỉ sau một đêm, đối với tôi đó không phải là cảm giác mới mẻ, vì đây là cảm giác mà tôi tin rằng chúng tôi đã từng trải qua, cảm giác mà tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ buộc phải cảm nhận lại", một người dân ở thành phố Yangon nói với BBC, hồi tưởng lại tuổi thơ của cô khi Myanmar cũng nằm dưới quyền kiểm soát của một chính quyền quân sự.
Nếu đến Yangon vào ban ngày trong những ngày này, thứ đầu tiên mà bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được là khói. Những đứa trẻ hít phải hơi cay và bom khói ngay trong chính ngôi nhà của chúng, trong khi các bà mẹ không biết làm gì ngoài việc than vãn.
Người dân giận dữ với các hoạt động trấn áp của chính quyền quân sự, song phần lớn các cuộc biểu tình vẫn ôn hòa. Tuy vậy, làn sóng biểu tình mới vẫn diễn ra hàng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Các sinh viên, nhà sư, phụ nữ, công chức, thậm chí một số cảnh sát cũng tham gia các cuộc biểu tình phản đối đảo chính và chính quyền quân sự. Một số cảnh sát tham gia phong trào bất tuân dân sự và công khai phản đối chính quyền. Họ tuyên bố không muốn làm việc cho các lãnh đạo quân sự, thay vào đó muốn phụng sự người dân.
Nhà báo Nyein Chan Aye của BBC cho biết người dân Myanmar đang cảm thấy "vô cùng bất an, lo lắng và không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo".
"Những đêm mất ngủ đang trở thành chuyện bình thường ở Myanmar. Lực lượng an ninh đột kích vào nhà của người dân ở nhiều nơi trên khắp cả nước và tìm cách bắt giữ những người chống lại chính quyền quân đội. Mọi người đang bảo vệ nhau, bằng cách thức khuya vào ban đêm", ông Nyein Chan Aye cho biết.
Tại Yangon, người dân hô to và cảnh báo hàng xóm khi thấy xe của lực lượng an ninh tới gần. Đoạn video được chia sẻ với Reuters cho thấy đám đông vây quanh và tuần hành quanh xe cảnh sát.
Một đoạn video khác cho thấy người dân tập trung ở Yangon để yêu cầu trả tự do cho một giáo viên bị bắt giữ. Người dân sẽ đập xoong nồi khi họ nghĩ rằng cảnh sát đang tiến hành đột kích để bắt người.
Thói quen của người dân Myanmar cũng thay đổi từ sau đảo chính. Tiếng gõ xoong nồi hay bất kỳ vật dụng gì vang lên hàng đêm tại các khu dân cư hoặc trên đường phố. Người dân tin rằng những âm thanh này sẽ giúp xua đuổi ma quỷ. Họ cũng treo các khẩu hiệu phản đối đảo chính trên ban công hoặc trong phòng khách.
Khi hoạt động biểu tình trên các tuyến phố chính bị cảnh sát trấn áp, người biểu tình bắt đầu thiết lập các không gian riêng trong các khu dân cư của họ. Những "pháo đài" được làm từ bao cát, thùng rác chứa nước hay hàng rào tự chế xuất hiện khắp nơi. Người dân cũng hỗ trợ nhau, giúp nhau phân phát thực phẩm và đồ bảo hộ miễn phí.
Cắt đứt nguồn sống
Biến cố chính trị tại Myanmar đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân nước này. Nhiều gia đình đã bị "cắt đứt" nguồn sống vì cuộc khủng hoảng kéo dài suốt hơn một tháng qua.
Kể từ khi đến Thái Lan làm việc vài năm trước, Own Mar Shwe hàng tháng đều gửi tiền về cho gia đình ở Myanmar để mua thực phẩm và thuốc men. Nhưng từ tháng trước, Shwe, một bà mẹ 3 con, không thể tiếp tục làm việc đó.
Giống như hàng triệu lao động Myanmar làm việc ở nước ngoài và gửi tiền về cho người nhà, cuộc đảo chính đã cắt đứt nguồn tiền của Shwe cho gia đình, khi các dịch vụ ngân hàng và chuyển tiền bị gián đoạn, còn Internet cũng bị cắt.
Hiện có hơn 4 triệu trong dân số khoảng 54 triệu người của Myanmar đang làm việc ở nước ngoài, trong đó có nhiều người là lao động chính trong gia đình.
"Tôi lo lắng không biết gia đình mình sẽ xoay xở thế nào mỗi ngày. Tôi không biết phải làm gì", Reuters dẫn lời Shwe cho biết. Cô lo lắng cho người mẹ 76 tuổi đang bị bệnh và phải sống dựa vào khoản tiền do con gái gửi về để mua thuốc.
Hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình kể từ khi đảo chính xảy ra. Nhiều doanh nghiệp ở Myanmar đã đóng cửa để thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào chống đảo chính hoặc cho phép nhân viên tham gia biểu tình trong giờ làm việc.
Các dịch vụ ngân hàng cũng bị gián đoạn. Một số chi nhánh đóng cửa, trong khi số khác cắt giảm hoạt động và hạn chế giao dịch rút tiền. Sự gián đoạn đã khiến nhiều ngân hàng và công ty tài chính ở nước ngoài dừng dịch vụ chuyển tiền đến Myanmar hoặc khuyến cáo khách hàng dừng kế hoạch chuyển tiền, với lý do giao dịch có thể bị trì hoãn.
Giáo sư Nicola Piper tại Đại học Queen Mary London cho biết trong tình hình hiện tại, dịch Covid-19 kết hợp với khủng hoảng chính trị tại Myanmar sẽ "tác động lớn đến sinh kế của các gia đình bị bỏ lại phía sau". Ngay cả trước khi bất ổn chính trị xảy ra, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của lao động Myanmar và gia đình họ, khiến hàng triệu người bị mất việc làm và giảm thu nhập.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều người dân lo ngại rằng cuộc đảo chính lần này sẽ khiến giá nhu yếu phẩm tăng vọt, còn sản xuất bị đình trệ. Ngay sau ngày đảo chính, người Myanmar đã đổ xô tới các siêu thị và khu mua sắm để tích trữ hàng hóa. Họ cũng lo ngại viễn cảnh quay trở lại cuộc sống cách đây hàng chục năm, khi chính quyền quân sự cũng nắm quyền điều hành đất nước.
"Tôi rất lo lắng nếu giá cả hàng hóa tăng lên, con gái tôi chưa kết thúc năm học, trong khi đây vẫn là thời điểm dịch bệnh đang hoành hành", một tiểu thương ở Yangon chia sẻ.
Tình hình bất ổn kéo dài cũng ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư tại Myanmar. Tập đoàn ô tô Nhật Bản Suzuki Motor ngày 2/2 thông báo sẽ dừng hoạt động 2 nhà máy ở Yangon nhằm đảm bảo sự an toàn cho 400 nhân viên trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.