Mỹ tuyên bố xem xét "toàn diện" WHO, chuyển tài trợ qua tổ chức khác
(Dân trí) - Phía Mỹ cho biết họ sẽ đánh giá xem liệu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có đang được vận hành một cách đúng đắn hay không sau khi nước này đang tạm dừng tài trợ cho WHO.
Reuters dẫn thông báo ngày 22/4 của ông John Barsa, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết nước này sẽ xem xét về quá trình vận hành hiện tại của WHO sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố dừng tài trợ cho tổ chức trên. USAID là cơ quan của chính phủ Mỹ được giao việc điều hành hoạt động viện trợ dân sự cho nước ngoài.
Ông Barsa cũng cho biết Washington sẽ dùng khoảng thời gian này để tìm kiếm các đối tác thay thế ngoài WHO nhằm tiếp tục thực hiện “các nhiệm vụ quan trọng” như vắc-xin và đảm bảo sẽ không có sự gián đoạn với các nỗ lực tài trợ của Mỹ.
Mặt khác, Mỹ trước đó đã tuyên bố sẽ chi 270 triệu USD trong nỗ lực hỗ trợ bổ sung cho quốc gia nước ngoài. Nguồn quỹ này đã được Quốc hội Mỹ thông qua.
Ông Barsa nói thêm, sẽ có đánh giá "toàn diện" được đưa ra và cho biết có nhiều câu hỏi về quản lý, bao gồm cả việc WHO sẽ buộc "các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm" cho hành động của họ như thế nào.
Quan chức trên nói rằng câu hỏi chủ chốt sẽ là: “Liệu WHO đang được vận hành theo đúng cách mà tổ chức này nên như vậy?”.
Ông Trump thông báo dừng tài trợ cho WHO tuần trước trong khi Washington xem xét lại cách mà tổ chức trên xử lý đại dịch Covid-19. Ông Trump cáo buộc WHO thúc đẩy “thông tin sai lệch” từ phía Trung Quốc về virus SARS-CoV-2 và nói rằng điều này có thể đã khiến bệnh dịch tồi tệ hơn.
WHO đã bảo vệ nỗ lực của tổ chức này trong việc đối phó với dịch bệnh, nhấn mạnh họ đã cảnh báo các nước thành viên về Covid-19 từ đầu năm nay.
Ông Jim Richardson, giám đốc viện trợ nước ngoài của USAID, cho hay Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ y tế thế giới, tuyên bố rằng các khoản tiền sẽ được cung cấp cho các tổ chức khác.
Các quan chức trên cho biết Washington đang xem xét các tổ chức cộng đồng địa phương và các tổ chức hoạt động dựa trên đức tin để trở thành đối tác.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, đóng góp trên 400 triệu vào năm 2019, tương đương 15% ngân sách hoạt động của tổ chức.
WHO kêu gọi Mỹ cân nhắc nối lại tài trợ
Ngày 22/4, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông hy vọng Mỹ sẽ cân nhắc việc nối lại tài trợ cho tổ chức này. Ông Tedros nói điều ông quan tâm là đại dịch kết thúc và mạng người được cứu.
Ông cảnh báo đang có những xu hướng gia tăng đáng lo ngại về dịch bệnh ở một số khu vực tại châu Phi và Nam Mỹ.
“Chúng ta còn một chặng đường dài. Virus này sẽ cùng với chúng ta trong một thời gian dài”, ông Tedros nói, nhấn mạnh rằng tình hình đại dịch ở Tây Âu dường như có dấu hiệu bình ổn hoặc hạ nhiệt.
“Tôi hy vọng việc đóng băng ngân sách sẽ được xem xét lại và Mỹ sẽ một lần nữa ủng hộ công việc của WHO và tiếp tục cứu những mạng người. Tôi hy vọng Mỹ sẽ tin đây là một khoản đầu tư quan trọng, không chỉ giúp người khác mà còn giúp Mỹ an toàn”, ông Tedros nói.
Trong khi đó, chuyên gia hàng đầu WHO Mike Ryan cảnh báo rủi ro từ việc mở cửa di chuyển toàn cầu quá sớm, nhấn mạnh điều này sẽ cần “quản lý rủi ro cẩn thận”.
Ông Tedros cũng bảo vệ quyết định của WHO khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế hôm 30/1.
“Tôi cho rằng chúng tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào đúng thời điểm và khi thế giới có đủ thời gian để phản ứng”, ông Tedros nói, nhấn mạnh thời điểm đó mới chỉ có 82 ca Covid-19 bên ngoài Trung Quốc.
Đức Hoàng
Theo Straits Times