1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ - Trung khó tìm tiếng nói chung dù nối lại đàm phán

(Dân trí) - Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán, tuy nhiên cơ hội để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được một thỏa thuận thương mại thực sự vẫn là câu hỏi để ngỏ.

Mỹ - Trung khó tìm tiếng nói chung dù nối lại đàm phán - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Getty)

Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ quay trở lại bàn đàm phán thương mại trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán toàn cầu tuần này cũng khởi sắc khi hy vọng về một cuộc đình chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được nhen nhóm. Tuy nhiên, theo CNN, vẫn còn quá sớm để thế giới có thể ăn mừng.

Các quan chức từ Bắc Kinh dự kiến sẽ tới Washington vào đầu tháng 10 để nối lại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự leo thang nhanh chóng trong cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc trong những tuần gần đây khiến việc thỏa hiệp thực sự gặp khó khăn.

Theo Tim Summers, chuyên gia tư vấn cấp cao về chương trình châu Á - Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House ở London (Anh) và là giáo sư trợ giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Hong Kong Trung Quốc, các cuộc gặp sắp tới giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc khó có thể đạt được “bất kỳ tiến triển thực chất nào”.

Mỹ - Trung bất đồng quan điểm

Mỹ muốn Trung Quốc thực hiện các thay đổi cơ cấu sâu rộng, bao gồm việc giảm đáng kể vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, đồng thời cho phép các công ty Mỹ tiếp cận thị trường tốt hơn.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa sẵn sàng tiến hành các cải cách cơ cấu xa hơn vì điều này có thể làm đảo lộn mô hình phát triển về cơ bản theo định hướng nhà nước của Trung Quốc.

“Tôi không nghĩ Bắc Kinh có bất kỳ ý định cải cách cơ cấu nào. Tương tự, Mỹ cũng khó có thể đưa ra nhượng bộ về các vấn đề cơ bản”, chuyên gia Summers nhận định.

Theo ông Summers, khả năng cao nhất là Trung Quốc có thể hứa hẹn sẽ gia tăng mua nông sản Mỹ, trong khi Mỹ có thể đề xuất giảm bớt rào cản với Huawei, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, cũng như các công ty khác của Trung Quốc. Ngoài ra, hai bên cũng có thể đồng ý hoãn áp thuế lẫn nhau. Hiện cả chính quyền Mỹ và Trung Quốc đều phải đối mặt với sức ép từ trong nước, khiến họ có thể tìm cách hạ nhiệt căng thẳng thương mại.

“Bắc Kinh đang chịu rất nhiều căng thẳng vì nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại và có nguy cơ gây ra sự bất ổn về xã hội. Đây là điều họ lo ngại nhất. Trung Quốc có động lực muốn đạt được thỏa thuận. Nhưng vấn đề sống còn với họ là sự ổn định của chế độ”, chuyên gia Summers nói thêm.

Tổng thống Trump tuần trước cho biết “Trung Quốc đang “trải qua năm tháng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua”. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thông báo rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra và đây là tín hiệu tốt cho cả hai nước.

Tổng thống Trump cũng có thể đưa ra một số nhượng bộ để xoa dịu các doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại bởi cuộc chiến thương mại, trong lúc ông chủ Nhà Trắng đang tìm kiếm cơ hội tái đắc cử vào năm 2020.

“Ông Trump muốn thể hiện rằng ông ấy cứng rắn với Trung Quốc. Nhưng ông ấy cũng cẩn trọng về việc không đi quá xa, vì cộng đồng doanh nghiệp đang bị báo động về những thiệt hại do việc hạn chế xuất khẩu với Huawei”, Alex Capri, nhà nghiên cứu cấp cao và là giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.

“Nếu ông ấy đi quá xa, phản ứng từ cộng đồng doanh nghiệp sẽ gây tổn hại cho cuộc bầu cử của ông ấy”, nhà nghiên cứu Capri nhận định, đồng thời phỏng đoán sẽ không có “bước đột phá lớn nào” trong các cuộc đàm phán.

Rất ít tiến triển đạt được trong cuộc đàm phán gần đây nhất giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thượng Hải hồi tháng 7.

Ngay sau các cuộc trao đổi giữa hai nước, Tổng thống Trump thông báo Mỹ sẽ áp thuế 10%, sau đó tăng lên 15%, đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó đáp trả bằng việc áp thuế từ 5-10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Các mức thuế tiếp theo dự kiến sẽ được triển khai trong những tháng tới. Ông Trump tháng trước thông báo sẽ tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tháng 10. Trong khi đó, Trung Quốc cũng nối lại việc áp thuế với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Mỹ vào tháng 12.

Đợt áp thuế mới của Mỹ nhắm mục tiêu tới các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất như tivi và đồ may mặc. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi nhiều tiền hơn nếu muốn mua các sản phẩm từ Trung Quốc.

Theo chuyên gia Capri tại Đại học Quốc gia Singapore, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, dù được thể hiện qua việc áp thuế hay các hình thức khác, cũng là điều mà các doanh nghiệp toàn cầu phải học cách sống cùng.

“Cuộc chiến thương mại có thể chỉ là một biểu hiện của cuộc đối đầu giữa hai siêu cường với hai hệ thống hoàn toàn khác biệt. Chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ngày càng rời rạc và các công ty đa quốc gia cần phải phối hợp với các đối tác địa phương để khắc phục việc hạn chế xuất khẩu”, chuyên gia Capri cho biết thêm.

Thành Đạt

Tổng hợp