“Chiến trường mới” trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung
(Dân trí) - Giải trừ hạt nhân có thể trở thành chiến trường mới trong cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Bắc Kinh từ chối tham gia đàm phán với Nga và Mỹ về vấn đề này.
Đại sứ về kiểm soát vũ khí của Mỹ Marshall Billingslea hôm 10/6 hối thúc Trung Quốc cân nhắc lại quyết định trước khi các cuộc đàm phán diễn ra vào cuối tháng này. Ông Billingslea sẽ gặp gỡ với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabko tại thủ đô Vienna, Áo vào ngày 22/6 để thảo luận về việc mở rộng Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START mới). Đây vốn là hiệp ước được đàm phán và ký kết dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2010 và sẽ hết hiệu lực vào tháng 2 năm sau. Hiệp ước này giới hạn Mỹ và Nga sở hữu không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược.
"Trung Quốc vừa nói là họ không có ý định tham gia đàm phán 3 bên. Họ nên cân nhắc lại", Đại sứ Billingslea bình luận trên Twitter. "Để đạt được vị thế một nước lớn đòi hỏi phải hành xử với trách nhiệm của một nước lớn. Họ cần phải dỡ hết những bức tường bí mật về chương trình phát triển hạt nhân", ông Billingslea bình luận một ngày sau khi xác nhận đã mời Trung Quốc tham gia đàm phán.
Khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc Trung Quốc tham gia vào một thỏa thuận tương lai có thể thay thế thỏa thuận ký kết năm 2010. Mỹ lo ngại năng lực tên lửa và hạt nhân của Trung Quốc đang ngày càng mở rộng, cải tiến và trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với Mỹ và đồng minh.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối lời mời tham gia đàm phán 3 bên. Trong một thông cáo trên trang chủ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Nga và Mỹ, hai nước sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới, có "trách nhiệm đặc biệt và ưu tiên hàng đầu về giải trừ hạt nhân”. Tháng 12 năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, Mỹ đang tìm cách “đẩy trách nhiệm sang cho các bên khác”.
Song Zhongping, một chuyên gia quân sự tại Hong Kong, nhận định Trung Quốc từ chối tham gia đàm phán là bởi kho vũ khí hạt nhân của họ nhỏ hơn nhiều so với của Nga và Mỹ. “Trung Quốc sẽ không ngồi vào bàn đàm phán cho đến khi Mỹ và Nga cắt giảm kho vũ khí của họ xuống mức tương đương của Trung Quốc”, ông Song bình luận.
Việc kêu gọi Trung Quốc tham gia đàm phán 3 bên về cắt giảm vũ khí hạt nhân có thể coi là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Bắc Kinh khi hai bên leo thang căng thẳng ở hàng loạt lĩnh vực khác nhau từ thương mại, công nghệ đến an ninh. Tuy nhiên, chuyên gia Song cho rằng Trung Quốc sẽ chưa tham gia vào một hiệp ước kiểm soát vũ khí như vậy trong tương lai gần.
“Đây là một chiến trường mới (trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung), Mỹ cố gắng đưa Trung Quốc vào một trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu về vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, năng lực hạt nhân của Trung Quốc còn tương đối hạn hẹp nên điều mà Trung Quốc muốn là thúc đẩy, chứ không phải cắt giảm năng lực đó”, ông Song nói.
Trung Quốc là 1 trong 5 quốc gia được phép sở hữu vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968. Các nước này gồm Mỹ, Liên Xô (nghĩa vụ và quyền lợi nay được chuyển cho Nga), Anh, Trung Quốc và Pháp. Tuy vậy, chương trình hạt nhân của Trung Quốc vẫn là một bí mật.
Theo Trung tâm nghiên cứu hủy bỏ vũ khí hạt nhân của Đại học Nagasaki, Trung Quốc ước tính sở hữu khoảng 320 vũ khí hạt nhân, so với của Nga là 6.370 vũ khí, của Mỹ là 5.800 vũ khí.
Minh Phương
Theo SCMP