1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc chia rẽ về thương chiến với Mỹ khi ông Trump tung đòn thuế quan

(Dân trí) - Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện phải đối mặt với sự chia rẽ trong nội bộ khi đưa ra những cách tiếp cận thiếu nhất quán nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ.

Trung Quốc chia rẽ về thương chiến với Mỹ khi ông Trump tung đòn thuế quan - 1

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: AFP)

Khi Nhà Trắng quyết định đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, giới lãnh đạo Mỹ đã tranh cãi về việc liệu tranh chấp thương mại kéo dài với Bắc Kinh có phải là hướng đi khôn ngoan với Washington hay không. Bây giờ, đến lượt Trung Quốc mâu thuẫn về vấn đề này.

Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện phải đối mặt với sự chia rẽ trong nội bộ khi đưa ra những cách tiếp cận thiếu nhất quán nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ. Một số người muốn đạt được thỏa thuận với Mỹ trong thời gian nhanh nhất có thể để cứu vãn nền kinh tế Trung Quốc, trong khi ngày càng nhiều tiếng nói “diều hâu” cho rằng Bắc Kinh nên đối đầu với Washington và tránh đạt được thỏa thuận bằng mọi giá.

Trong lúc các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị bước vào vòng đàm phán thương mại thứ 13 vào tháng 9 tới, cả hai bên vẫn cho thấy những dấu hiệu thiếu rõ ràng về việc họ mong muốn đạt được gì từ một cuộc chiến kéo dài hơn mọi sự kỳ vọng.

Ngày 26/8, chính phủ hai nước dường như đồng ý tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, quan chức dẫn đầu các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, nói rằng Bắc Kinh “sẵn sàng giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ thông qua các cuộc đàm phán bình tĩnh và kịch liệt phản đối việc leo thang xung đột”. Tổng thống Trump cho biết ông đồng ý với đề nghị của Phó Thủ tướng Trung Quốc, đồng thời nói với các phóng viên sau cuộc họp của G7 tại Pháp rằng phát biểu của ông Lưu Hạc là “một điều tốt”.

Động thái xuống thang trên diễn ra sau khi Mỹ và Trung Quốc lần lượt tung đòn áp thuế trả đũa lẫn nhau. Trung Quốc tuần trước thông báo sẽ áp thuế với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Ngay lập tức, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Hoài nghi về động cơ của Mỹ

Quyết định áp thuế của Mỹ đã chính thức khép lại giai đoạn đình chiến thương mại được Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình thống nhất trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hồi tháng 6.

He Weiwen, cựu tùy viên thương mại tại các lãnh sự quán Trung Quốc và là chuyên gia về thương mại, vẫn hoài nghi về việc liệu chính quyền Trump có thực sự chân thành muốn đàm phán với Trung Quốc không, hay chỉ đơn giản là muốn “câu giờ”.

“Dường như phía Mỹ đang khép lại một cánh cửa đàm phán. Điều này rất nguy hiểm”, ông He nói.

Sự thất vọng trong giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng tăng cao, ngay cả tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc - nơi ủng hộ mạnh mẽ nhất việc ký kết thỏa thuận thương mại với Mỹ.

“Không có điểm mấu chốt. Bất kể khi nào bạn đưa ra một điểm mấu chốt, nó rất dễ bị phá bỏ”, Ruan Zongze, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc - cơ quan nghiên cứu do Bộ Ngoại giao Trung Quốc vận hành, cho biết.

Trung Quốc chia rẽ về thương chiến với Mỹ khi ông Trump tung đòn thuế quan - 2

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ hai từ trái sang) bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại cuộc gặp ở Thượng Hải hồi tháng 7. Các cuộc đàm phán giữa hai nước dự kiến nối lại vào tháng 9. (Ảnh: AP)

Căng thẳng leo thang với Mỹ cũng làm dấy lên nhiều nghi ngại tại Trung Quốc về việc liệu Washington có tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận thương mại hay không nếu hai nước đi đến ký kết.

“Nhiều người ở Trung Quốc sẽ nói: Nếu chúng ta ký thỏa thuận, liệu thỏa thuận đó có tác dụng không, hay có tác dụng trong bao lâu? Niềm tin đang dần mất đi”, chuyên gia Ruan nói.

Một bộ phận tiếng nói “diều hâu”, trong đó phần đông từ nhóm quân sự quyền lực tại Trung Quốc, cũng tăng cường lên tiếng về vấn đề thương mại với Mỹ. Nhóm này cho rằng thỏa thuận thương mại là không cần thiết, trong khi các cơ quan thương mại và ngoại giao của Trung Quốc vẫn công khai ủng hộ việc đạt được một thỏa thuận.

“Hiện tại, Trung Quốc đang phải chiến đấu trong hai cuộc chiến trên một chiến trường với Mỹ, bao gồm xung đột về quân sự và kinh tế. Ông Trump trước hết lấy tiền của Trung Quốc và sau đó lấy mạng của chúng ta”, Dai Xu, đại tá cấp cao của Không quân Trung Quốc, viết trong một bài báo hồi tháng 5.

Đại tá Dai và những người ủng hộ ông đang kêu gọi một cuộc chiến tiêu hao sinh lực, trong đó Trung Quốc sẽ vượt mặt đối thủ, bất chấp cái giá phải trả là hệ thống thương mại toàn cầu.

“Kết quả của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không được xác định bởi việc tính toán xem mỗi nước có bao nhiêu con chip, mà bởi khả năng của hai nước trong việc gánh chịu thiệt hại. Bạn có thể có nhiều chip hơn, nhưng khả năng chống chọi với thiệt hại của bạn thấp hơn tôi”, Shen Yi, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, viết trên một trang tin nhà nước Trung Quốc, hồi tháng 6.

Trung Quốc lao đao vì thương chiến

Tuy vậy, những người phản đối quan điểm trên vẫn tin rằng, Trung Quốc đang chơi quá “bạo tay”.

“Giữa Trung Quốc và Mỹ, Mỹ vẫn là bên mạnh và Trung Quốc là bên yếu. Do vậy, Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn đối với mối quan hệ Mỹ - Trung hòa hợp”, Jin Canrong, phó khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Renmin và là một trong những nhà bình luận chính sách đối ngoại hàng đầu tại Trung Quốc, nhận định hồi tháng 7.

Ông Jin dự đoán Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại vào trước tháng 11, do sức ép từ thuế quan đã làm suy yếu triển vọng kinh tế của Trung Quốc.

“Nếu chiến tranh thương mại kéo dài và các chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc, điều đó sẽ gây tổn hại lớn cho tiềm năng phát triển của Trung Quốc trong tương lai”, ông Jin nhận định.

Trung Quốc đã công bố những số liệu cho thấy sự sụt giảm của nền kinh tế trong mùa hè năm nay. Trong khi đó, nền kinh tế Đức cũng có dấu hiệu sụt giảm. Các nhà kinh tế học cho rằng sự bất ổn trong các chính sách thương mại đã dẫn tới sự sụt giảm của nền kinh tế toàn cầu.

Theo Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một cơ sở nghiên cứu đặt trụ sở tại Bắc Kinh chuyên tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về các vấn đề thương mại và kinh tế, cả Mỹ và Trung Quốc nên nhanh chóng đạt được một thỏa thuận để Trung Quốc có thể tập trung nguồn lực vào các chính sách như thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước.

“Bạn không thể trông chờ vào một thỏa thuận hoàn hảo. Tổng thống Trump có thể tuyên bố chiến thắng vào bất kỳ lúc nào”, chuyên gia Wang nhận định.

Thành Đạt

Theo NPR