1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ - Trung hủy bỏ 100 kênh đối thoại từ khi ông Trump nhậm chức

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ và Trung Quốc được cho đã hủy khoảng 100 kênh đối thoại công khai từ năm 2007 tới nay, trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới không ngừng leo thang.

Mỹ - Trung hủy bỏ 100 kênh đối thoại từ khi ông Trump nhậm chức - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước tiết lộ rằng ông đã không trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “trong một thời gian dài” và hiện không có hứng thú với việc đó. Theo Bloomberg, tiết lộ này chỉ cho thấy một phần của tảng băng liên quan tới căng thẳng Mỹ - Trung trong suốt những năm qua.

Nhà phân tích về Trung Quốc Arthur Kroeber nói với Bloomberg rằng khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017, có khoảng 100 diễn đàn trao đổi và đối thoại chính thức được tổ chức giữa 2 nước, bàn luận về hàng loạt chủ đề từ dược tới chính sách công nghệ. Gao Zhikai, người từng là phiên dịch cho cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, cũng đưa ra một con số tương đương.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, toàn bộ các kênh đối thoại nói trên giờ đã bị hủy bỏ, đồng nghĩa với việc các quan chức giữa 2 nước ngày càng không nắm rõ được các hoạt động và ý định của phe bên kia. Giới quan sát cảnh báo điều này có thể làm tăng nguy cơ hiểu lầm giữa 2 bên hoặc nguy cơ leo thang thành khủng hoảng, cũng như ngăn cản sự hợp tác để ngăn chặn những thảm họa mới nổi, ví dụ như dịch Covid-19.

“Sự sụp đổ của những cấu trúc này không phải là nguyên nhân dẫn đến một mối quan hệ xấu đi, mà là kết quả của việc quan hệ song phương giữa 2 nước tụt dốc”, John Pomfret, một nhà sử gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung, nhận định.

Mặc dù đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi đầu năm nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn đang đối mặt với mối quan hệ được đánh giá là tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua. Mâu thuẫn giữa 2 nước bùng phát trên nhiều lĩnh vực, từ phản ứng với đại dịch Covid-19, vấn đề Hong Kong, Biển Đông, cuộc thương chiến.

Quan hệ xấu đi giữa 2 nước khiến giới quan sát lo ngại những kịch bản rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Bloomberg cho rằng mặc dù tương tác giữa quân đội 2 nước thường được thực thi một cách chuyên nghiệp, nhưng rủi ro đối đầu và hiểu lầm vẫn hiện hữu.