Nguy cơ xung đột Mỹ - Trung leo thang sau vụ Bắc Kinh phóng tên lửa
(Dân trí) - Vụ phóng tên lửa của Trung Quốc ra Biển Đông có thể thúc đẩy Mỹ triển khai thêm tên lửa tới khu vực và có động thái cứng rắn hơn với Bắc Kinh, từ đó làm gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang.
Trung Quốc ngày 26/8 đã phóng các tên lửa đạn đạo Đông Phong, bao gồm DF-26B và DF-21D - hay còn gọi là “sát thủ diệt hạm”, ra khu vực nằm giữa tỉnh Hải Nam ở phía nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Mỹ đưa máy bay trinh sát tầm cao U-2 tới vùng cấm bay - nơi Trung Quốc đang tiến hành tập trận hải quân bắn đạn thật trên biển Bột Hải ở phía bắc Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 27/8 tuyên bố vụ phóng tên lửa của Trung Quốc đã đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực. Lầu Năm Góc chỉ trích các hành động của Bắc Kinh, bao gồm các vụ phóng tên lửa, tiếp tục gây bất ổn định cho tình hình tại Biển Đông.
Tên lửa DF-26 có tầm bắn 4.000 km, có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công thông thường hoặc tấn công hạt nhân nhằm vào các mục tiêu trên biển và trên bộ. Đây là loại vũ khí bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung được Mỹ và Liên Xô ký trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Năm ngoái, Mỹ đã đề cập tới việc Trung Quốc triển khai các vũ khí như tên lửa đạn đạo để biện minh cho quyết định của Washington khi rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga.
Tên lửa DF-21 có tầm bắn 1.800 km. Truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả DF-21D, tên lửa hiện đại nhất trong dòng DF-21, là tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới. Cả DF-26 và DF-21 đều có khả năng tấn công các tàu sân bay.
Trung Quốc trong tháng này đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ở cả 4 vùng biển gần. Giới phân tích cho rằng đây là thông điệp của Bắc Kinh gửi Mỹ và Đài Loan.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 27/8 nói cuộc tập trận của nước này tại Biển Đông không nhắm mục tiêu tới bất kỳ quốc gia cụ thể nào, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn kêu gọi Washington kiềm chế.
Ý đồ của Trung Quốc
Derek Grossman, chuyên gia an ninh tại viện nghiên cứu RAND của Mỹ, nhận định vụ phóng tên lửa mới nhất của Trung Quốc sẽ càng khiến Mỹ mất lòng tin vào ý đồ của Trung Quốc và thúc đẩy Washington theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh trên mọi mặt trận từ ngoại giao, kinh tế cho tới an ninh.
“Khó có khả năng quân đội Mỹ nhượng bộ, vì đây là nỗ lực chung của cả chính phủ (Mỹ) trong việc cạnh tranh và đối phó với Trung Quốc cả trong khu vực và trên toàn cầu”, chuyên gia Grossman nhận định.
Theo ông Grossman, chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể xảy ra, nhưng hai nước có nguy cơ tính toán sai lầm.
“Nếu Trung Quốc phóng thêm một tên lửa DF-21D nữa, nó có thể tới gần một tàu sân bay của Mỹ đi ngang qua khu vực. Quân đội Mỹ có thể đáp trả bằng vũ lực vì nghĩ rằng tên lửa này chỉ đơn giản đã lỡ mục tiêu. Sau đó, tình hình có thể bắt đầu leo thang từ đây”, chuyên gia Grossman dự đoán.
Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, đồng tình với quan điểm của chuyên gia Grossman. Ông Davis cho rằng vụ phóng tên lửa của Trung Quốc càng khoét sâu thêm lo ngại của Mỹ về ý đồ của Trung Quốc, đồng thời làm gia tăng thách thức do năng lực quân sự của Trung Quốc gây ra.
“Tôi nghĩ Mỹ có lẽ sẽ không phản ứng với vụ thử tên lửa của Trung Quốc theo hướng làm thay đổi chính sách đối ngoại của họ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ sẽ nhận thức được rằng họ cần phải xem xét năng lực tên lửa của Trung Quốc một cách nghiêm túc”, chuyên gia Davis cho biết thêm.
Chen Gang, trợ lý giám đốc tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng vụ phóng tên lửa của Trung Quốc tới khu vực nhạy cảm như Biển Đông chỉ càng hối thúc Mỹ tiếp tục phát triển và triển khai thêm tên lửa.
“Trung Quốc đã phô diễn các tên lửa dòng DF trong các cuộc diễu binh trước đây ở Bắc Kinh và phóng các tên lửa này từ những nơi ở khoảng cách xa để thể hiện rằng chúng không phải là những món đồ chơi để trưng bày”, chuyên gia Chen nhận định.
Theo Isaac Kardon, phó giáo sư tại Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Hải chiến Mỹ, mặc dù các vụ phóng tên lửa có thể sẽ đẩy mạnh khuynh hướng cứng rắn ở cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng nguy cơ leo thang xung đột giữa quân đội hai nước vẫn khá thấp, vì cả hai lực lượng chuyên nghiệp được huấn luyện bài bản này đều “cực kỳ cẩn trọng” trong quá trình tương tác với nhau.
Steve Tsang, nhà khoa học chính trị tại Đại học London, cho rằng triển vọng cho quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai sẽ không mấy sáng sủa. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và có thể sẽ tăng cường các hoạt động này để đáp trả vụ phóng tên lửa của Trung Quốc.
Ngày 4/7, hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz của Mỹ đã tập trận quy mô lớn cùng 4 tàu chiến khác ở Biển Đông. Ngày 17/7, Mỹ tiếp tục nối lại cuộc tập trận với sự tham gia của hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz. Ngày 14/8, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã dẫn đầu một nhóm tàu tác chiến tập trận ở Biển Đông.
Zack Cooper, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Mỹ, cho rằng vụ phóng tên lửa của Trung Quốc có thể phát đi tín hiệu rằng các lực lượng Mỹ hoạt động tại khu vực đang đối mặt với rủi ro ngày càng tăng.
Vụ phóng tên lửa của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang đối đầu nhau trong hầu hết lĩnh vực, từ kinh tế cho tới an ninh.
Song Zhongping, nhà bình luận quân sự tại Hong Kong, cho rằng vụ phóng tên lửa của Trung Quốc rõ ràng gửi thông điệp tới Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết việc Trung Quốc dành nhiều năm hiện đại hóa quân đội để phát triển lực lượng quân sự “đẳng cấp thế giới” càng làm gia tăng các hành vi khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông.
Trong một động thái được cho là "cảnh cáo" Trung Quốc, Mỹ ngày 26/8 đã áp lệnh trừng phạt đối với 24 công ty Trung Quốc và hạn chế cấp thị thực cho hàng chục công dân Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan tới hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.