1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ - Trung đối đầu toàn diện

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã đẩy quan hệ Mỹ - Trung, vốn âm ỉ nhiều mâu thuẫn sâu sắc, tới bờ vực của một cuộc đối đầu toàn diện, trong đó tiềm ẩn rủi ro về một cuộc xung đột quân sự.

Mỹ - Trung đối đầu toàn diện - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)

Chuyển từ cạnh tranh sang đối đầu toàn diện

Khi các đại biểu quốc hội Trung Quốc đổ về Bắc Kinh để tham dự kỳ họp quốc hội thường niên vốn dự kiến diễn ra hồi tháng 2 nhưng bị trì hoãn lần đầu tiên trong 20 năm qua, họ sẽ đối mặt với một cuộc tranh luận mới về quan hệ Mỹ - Trung. Cụ thể là, liệu có thể tránh được một cuộc xung đột vũ trang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), câu hỏi này không mới, nhưng có tính cấp bách mới, trong bối cảnh mâu thuẫn giữa Washington và Bắc Kinh leo thang giữa đại dịch Covid-19, bộc lộ những khác biệt ngày càng bị nới rộng trong trật tự thế giới hiện thời.

Giáo sư Harvard Graham Allison đã kêu ra câu hỏi trên trong cuốn sách xuất bản vào năm 2017 có tựa đề “Định mệnh chiến tranh - Mỹ và Trung Quốc có thể thoát bẫy Thucydides?”. Nó liên hệ tới những quan sát của một sử gia Hy Lạp cổ đại về cuộc chiến giữa thành Sparta và thành Athens và câu hỏi hóc búa được Allison nêu ra về khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang khi một thế lực đang nổi thách thức một thế lực đang thống trị.

Mặc dù các nhà quan sát nhìn chung cho rằng một cuộc chiến tổng lực giữa hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân là ít có khả năng xảy ra, nhưng vẫn có các rủi ro tiềm tàng về một cuộc xung đột quân sự.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ sự quan tâm về mô hình bẫy Allison, nhắc tới nó ít nhất 3 lần, trong đó một lần ngay trước lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump 3 năm trước.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) tháng 1/2017, ông Tập cho rằng bẫy Thucydides “có thể tránh được… miễn là chúng ta duy trì liên lạc và cư xử với nhau một cách chân thành”.

Nhưng kể từ đó, đại dịch Covid-19 đã đẩy quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã mâu thuẫn sâu sắc, tới bờ vực của một cuộc đối đầu toàn diện, hệ quả của sự mất lòng tin chiến lược và hiểu lầm, Wang Jisi, Chủ tịch Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, nói.

“Mỹ và Trung Quốc đang chuyển từ một cuộc cạnh tranh trên mọi mặt trận tới một cuộc đối đầu toàn diện, không còn mấy không gian cho đàm phán và thỏa hiệp”, ông Wang nói trong một bài phát biểu hồi cuối tháng 3. “Chúng tôi không loại trừ khả năng hai cường quốc có thể rơi vào bẫy Thucydides”.

Điều đó phần nào được thể hiện qua giọng điệu các bình luận gần đây từ phía Mỹ. Tổng thống Trump đã cam kết “làm bất kỳ điều gì cần thiết” để buộc Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại về chịu trách nhiệm về dịch Covid-19, vốn khởi phát tại thành phố Vũ Hán hồi cuối năm ngoái. Các cố vấn của ông, đặc biệt là, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, cũng nói thẳng với Trung Quốc như vậy.

Tại Hội nghị an ninh Munich hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper đã miêu tả Trung Quốc là “mối đe dọa đang gia tăng” đối với trật tự thế giới và hối thúc các nước đứng về phía Mỹ để chuẩn bị cho “cuộc xung đột cường độ cao với Trung Quốc”.

Giới chức Trung Quốc thường không đưa ra thảo luận các chủ đề ngoại giao nhạy cảm trong kỳ họp quốc hội hàng năm. Các vấn đề trong nước, nhưng sự sụt giảm kinh tế do đại dịch Covid-19, chắc chắn sẽ là chủ đề chính của các kỳ họp kéo dài 1 tuần, trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với sự suy giảm kinh tế đầu tiên trong nhiều thập niên, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và nguy cơ các công ty “tháo chạy” khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự sụt giảm nghiêm trọng trong mối quan hệ với Mỹ những tháng gần đây và những tác động tiềm tàng của nó nhiều khả năng sẽ được hơn 5.000 đại biểu quan tâm tại 2 kỳ họp quốc hội (NPC) và Hội nghị tham vấn chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC), theo nhà khoa học chính trị Gu Su tại Đại học Nam Kinh.

“Do những căng thẳng đang sôi sục với Mỹ về Covid-19 và sự chú ý về các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc - vốn đã gây tác động mạnh tới nền kinh tế, đặc biệt ở các cấp độ địa phương - đã khiến Trung Quốc ngày càng bị cô lập và có thể rất khó để bỏ qua các cuộc thảo luận như vậy”, SCMP dẫn lời ông Gu.

Các kịch bản tồi tệ nhất

Sự suy giảm trong quan hệ Mỹ - Trung rõ ràng đã khiến Chủ tịch Tập Cận Bình và các cố vấn hàng đầu của ông lo ngại. Vào ngày 8/4, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra một cảnh báo thẳng thắn khác thường rằng “chúng ta phải sẵn sàng cho các kịch bản tồi tệ nhất” giữa lúc có những thách thức và bất lợi bên ngoài chưa từng có, theo Xinhua.

Mặc dù truyền thông nhà nước Trung Quốc không nói rõ ông Tập muốn nhắc tới các các kịch bản tồi tệ nhất là gì, một nghiên cứu gần đây đã đưa ra một số gợi ý.

Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR), có quan hệ với Bộ Công an Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh có thể cần chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự với Washington giữa lúc nước này đối mặt với làn sóng tẩy chay tồi tệ nhất kể từ năm 1989.

Báo cáo của CICIR cảnh báo rằng các đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là sáng kiến Một vành đai, một con đường, có thể trở thành nạn nhân của các làn sóng chống Trung Quốc, trong khi Mỹ có thể đẩy nhanh các nỗ lực nhằm đối trọng với sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh bằng cách tăng hỗ trợ quân sự và tài chính cho các đồng minh.

Dù tổ chức trên từ chối bình luận nhưng nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế cũng có những đánh giá tương tự về quan hệ Mỹ - Trung.

“Chúng ta đã rơi vào một cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ, vốn chứng kiến cả hai bên mâu thuẫn trên hầu hết các mặt trận - từ các căng thẳng thương mại và công nghệ, sự đối đầu địa chính trị, ý thức hệ và quân sự tới cuộc đấu pháp lý và chính trị về Covid-19”, ông Zhu nói. “Viễn cảnh về quan hệ song phương ngày càng đáng lo ngại và chúng ta chỉ còn một bước nữa là rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Trong bối cảnh hầu hết thế giới vẫn đang vật lộn với đại dịch Covid-19, các đối thủ và những người chỉ trích Bắc Kinh, do trong đó Mỹ đứng đầu, đã gia tăng đổ lỗi cho Trung Quốc trong khi theo đuổi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus.

Đại dịch Covid-19 cũng phá vỡ hầu hết chương trình nghị sự ngoại giao của Trung quốc trong nửa đầu năm 2020, khi các chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập được lên kế hoạch tới Hàn Quốc và Nhật Bản đều bị hoãn.

Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc với châu Âu cũng trở nên căng thẳng, mặc dù Bắc Kinh đã cố gắng “tránh đạn” tại Đại hội đồng y tế thế giới, vốn đưa ra một nghị quyết với ngôn từ tương đối nhẹ do EU soạn thảo nhằm tiến hành một cuộc điều tra độc lập về sự đối phó của các nước với sự bùng phát của đại dịch vào “một thời điểm thích hợp”.

Nhưng ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu đã chống lại sự hung hăng ngoại giao của Trung Quốc và đứng về phía Mỹ hối thúc Bắc Kinh minh bạch hơn về dịch bệnh.

Theo chuyên gia Seth Jaffe, mặc dù hành động của ông Tập và ông Trump có thể khác nhau rất lớn trong kỳ cuộc khủng hoảng thực sự nào, sự chuyển dịch về cấu trúc trong thế cân bằng quyền lực những năm gần đây mới là nguyên nhân chính đưa hai nước tiến gần hơn tới bờ vực đối đầu.

Điểm nóng Biển Đông

Ông Jaffe cho rằng kịch bản xung đột có khả năng xảy ra nhất là ở Biển Đông. “Tôi lo ngại nhất là về các cuộc đối đầu quân sự liên quan tới các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ, vốn có thể nhanh chóng leo thang trong các tình huống nguy hiểm, khó đoán trước thành một xung đột hải quân nghiêm trọng”, ông nói.

Ông Jaffe cho rằng, một xung đột quốc tế có thể đưa ông Trump và ông Tập vào một thế đối đầu, khi mỗi nhà lãnh đạo đều đối mặt với sức ép để chống lại người kia và sẽ không xuống nước, do sự hoài nghi và khẩu chiến căng thẳng giữa hai bên.

“Khi đó, mối nguy hiểm sẽ là một mồi lửa không biết trước được, vốn có thể gây ra một phong trào đáng sợ trong chiếc thang căng thẳng”, ông Jaffe nói.

Zhao Tong, một chuyên gia tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, cũng bày tỏ lo ngại rằng các sự cố quân sự và xung đột với Mỹ ngày càng khó đoán do tình trạng thù địch lẫn nhau gia tăng nhanh chóng.

Theo ông Zhang Tuosheng, nhà phân tích an ninh từ Quỹ nghiên cứu chiến lược và quốc tế Trung Quốc, cho rằng tình hình nghiêm trọng khi Bắc Kinh và Washington chưa thiết lập một cơ chế kiểm soát khủng hoảng.

“Một trong số những bài học lớn mà chúng ta phải chú ý là việc thiết lập một loạt các cơ chế vốn đã được chứng minh là cần thiết thời Chiến tranh Lạnh nhằm đề phòng khủng hoảng bùng phát ngoài kiểm soát trong trường hợp xảy ra các tình huống khẩn cấp hoặc khủng hoảng thật sự”, ông Zhang nói.

An Bình

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm