Mỹ "tố" Trung Quốc dùng tàu cá để thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền
(Dân trí) - Trung Quốc đang sử dụng các hạm đội tàu cá với các đội hộ tống có vũ trang nhằm thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền phi lý ở Biển Đông, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/6 cảnh báo, kêu gọi hành động của Trung Quốc là “gây lo ngại”.
“Tôi cho rằng đó là một chiều hướng gây lo ngại khi các tàu cá Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu tuần duyên, hành động theo hướng dường như là một âm mưu nhằm khẳng định một tuyên bố không hợp pháp”, AFP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói trong cuộc điện thoại hội nghị với các phóng viên ở Đông Nam Á.
“Tôi cho rằng điều đó cho thấy sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc - xét về các lực lượng quân sự và bán quân sự - và được sử dụng theo cách khiêu khích và có thể gây mất ổn định”, quan chức trên nói thêm.
Những bình luận trên diễn ra sau khi các tàu chiến Indonesia gần đây đã bắn cảnh cáo và bắt giữ một tàu cá Trung Quốc cùng 7 ngư dân đánh bắt trái phép gần quần đảo Natuna ở Biển Đông hồi tuần trước.
Không giống vài quốc gia khác trong khu vực, Indonesia không có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng tuyên bố của Bắc Kinh đố với quyền đánh bắt gần quần đảo Natuna của Indonesia lại chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta.
Vụ việc hồi tuần trước chỉ là vụ đụng độ mới nhất trong hàng loạt vụ việc tương tự giữa lực lượng Hải quân Indonesia và tàu cá Trung Quốc kể từ khi Jakarta mở chiến dịch truy quét các tàu cá đánh bắt trái phép vào năm 2014.
Hồi tháng 3, các tàu tuần duyên của Trung Quốc đã can thiệp vào vụ việc một tàu cá nước này bị Indonesia bắt giữ gần Natuna và giúp tàu này chạy thoát.
Và chỉ tháng trước, Hải quân Indonesia đã bắn một tàu cá Trung Quốc gần quần đảo Natuna và bắt giữ tàu này.
Sau vụ đối đầu hồi tuần trước, chỉ huy Hạm đội phía tây của Hải quân Indonesia cho biết các vụ xâm nhập của tàu cá Trung Quốc đã được “lên kế hoạch”, chứng tỏ rằng Bắc Kinh đã “bật đèn xanh” cho các tàu.
“Trung Quốc ngang ngược lên tiếng phản đối vì họ tự cho rằng khu vực này là của họ”, Chỉ huy Achmad Taufiqoerrochman cho hay. “Thực tế việc đánh cắp sản vật chỉ là một thủ đoạn nhằm thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền”.
"Trung Quốc chớ làm liều"
Trung Quốc tự nhận có chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên các vùng biển của các quốc gia trong khu vực. Bắc Kinh đã tiến hành các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Washington hi vọng rằng một phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay, Hà Lan dự kiến đưa ra trong những tuần tới về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông sẽ thúc đẩy các bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn bước vào đàm phán.
Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vào năm 2013 để thách thức cái gọi là bản đồ “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” mà qua đó Bắc Kinh muốn kiểm soát gần như toàn bộ các tuyến hàng hải chiến lược ở Biển Đông.
“Sẽ có lợi cho Trung Quốc khi nước này không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể gây khiêu khích và trực tiếp đi ngược lại với phán quyết”, quan chức Mỹ nói.
An Bình