1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ngư dân Philippines hi vọng gì từ phán quyết về vụ kiện Biển Đông?

(Dân trí) - Các ngư dân Philippines hi vọng rằng các hành động khiêu khích của Trung Quốc sẽ chấm dứt ở Biển Đông nếu Manila giành chiến thắng trong vụ kiện quốc tế chống lại "đường lưỡi bò" phi pháp mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra nhằm phục vụ các đòi hỏi chủ quyền quá đáng trong khu vực.


Một nhóm các nhà hoạt động chụp ảnh cùng quốc kỳ Philippines tại bãi cạn Scarborough (Ảnh: AFP)

Một nhóm các nhà hoạt động chụp ảnh cùng quốc kỳ Philippines tại bãi cạn Scarborough (Ảnh: AFP)

"Hành động trơ tráo"

Anh Jonathan Almandrez đã bị đánh bật khỏi các ngư trường đánh bắt giàu sản vật ở Biển Đông vì một tàu tuần tra của Trung Quốc - điều mà anh hi vọng sẽ chấm dứt nếu Philippines giành chiến thắng trong vụ kiện quốc tế chống lại Bắc Kinh, AFP đưa tin.

Vụ việc tại bãi cạn Scarborough, một bãi đá ngầm và san hô mà ngư dân Philippines nói là một trong những nơi có đời sống biển phong phú nhất thế giới, là một phần trong cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài và tâm điểm của một vụ kiện mà tòa án được Liên hợp quốc hậu thuẫn dự kiến sẽ đưa ra phán quyết trong những tuần tới.

“Tôi rất bực trước việc làm trơ tráo của họ nhằm xua đuổi chúng tôi khi chúng tôi rõ ràng ở bên trong lãnh thổ của Philippines”, Almandrez, 30 tuổi, nói thêm.

Almandrez, người đã cung cấp hình ảnh quay bằng điện thoại di động về vụ đụng độ, cho biết trong vòng 2 giờ vào ngày 7/6, các tàu tuần tra của tuần duyên Trung Quốc đã bao vây một tàu gỗ chở 10 ngư dân Philippines.

Các tàu tuần tra Trung Quốc đã tiếp cận cách tàu cá Philippines chỉ 2 m khi tàu này đang đánh bắt ngay bên ngoài bãi cạn.

“Hãy tới một nơi khác. Không được đánh bắt bên trong”, các thành viên của lực lượng tuần tra Trung Quốc hét lớn bằng tiếng Anh, Almandrez nhớ lại. “Các ông hãy quay về đi vì đây là tài sản của Philippines”, Almandrez đáp trả.

Các ngư dân Philippines cuối cùng phải rời đi khi một tàu lớn hơn nhiều của Trung Quốc bắt đầu tiến đến và họ lo ngại rằng tàu này có thể phun vòi rồng.

Đoạn video đã cho thấy có hai tàu tuần tra treo cờ Trung Quốc, với cụm từ tiếng Anh “Tuần duyên Trung Quốc” ở một bên tàu.

Ngư dân địa phương cho hay, bãi cạn Scarborough, nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ 230 km, là ngư trường đánh bắt truyền thống của họ qua nhiều thế hệ.

Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo Hải Nam, phần lãnh thổ gần nhất của Trung Quốc đại lục, 650 km, nhưng lại nằm trong “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông để đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển.

Các bãi đá ngầm và các vùng nước nông cho phép một ngư dân có thể dễ dàng đánh bắt khoảng 200 kg cá chỉ trong hơn 1 giờ, theo Almandrez và những người khác từ Infanta, một trong những thị trấn đánh bắt chính tại bãi cạn Scarborough trên đảo Luzon.

Scarborough cũng là nơi trú ẩn quan trọng cho các ngư dân bị mắc kẹt trong các cơn bão.

Phun vòi rồng

Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vào năm 2012, sau một cuộc đụng độ ngắn với tàu hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.

Kể từ đó, các tàu đánh bắt không phải của Trung Quốc tiếp cận khu vực thường xuyên gặp phải một tiếng kêu dọa nạt chói tai từ một tàu đồn trú bên trong, và những người từ chối rời đi có nguy cơ bị rượt đuổi hoặc thậm chí bị đâm va, theo các ngư dân Philippines.

“Họ phun voi rồng mạnh tới nỗi có thể phá hủy một trong những tấm xốp của chúng tôi”, Felix Lavezores, 36 tuổi, cho biết tại Infanta, nhớ lại một vụ tấn công bằng vòi rồng của tàu Trung quốc hồi đầu tháng 5 khiến một thùng xốp dùng để đựng cá bị vỡ.

Một chuyến đánh bắt tới bãi cạn Scarborough tiêu tốn khoảng gần 2.000 USD mỗi tàu, bao gồm tiền nhiên liệu, nhu yếu phẩm và lương cho các ngư dân. Các chủ tàu không thể thu lại số tiền này nếu họ buộc phải trở về nhà mà không đánh bắt được gì.

Theo một số ngư dân Philippines tại Infanta và Masinloc, một thị trấn đánh bắt khác, người Trung Quốc thỉnh thoảng còn cắt cáp, khiến các tàu Philippines có nguy cơ bị mắc cạn.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, thậm chí các vùng biển gần bờ của các quốc gia láng giềng.

Khi được hỏi về các cuộc đụng độ ở bãi cạn Scarborough, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã ngang ngược nhắc lại lập trường phi pháp lâu nay của Bắc Kinh. “Chúng tôi đã nói rằng bãi cạn Scarborough là lãnh thổ bên trong của Trung Quốc”.

Ngoài bãi cạn Scarborough, Trung Quốc còn thực hiện hoạt động cải tạo đất quy mô chưa từng có tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những người chỉ trích Trung Quốc lo ngại rằng các đảo nhân tạo có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và nhằm thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại một trong những tuyến đường biển huyết mạch của thế giới.

Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay, Hà Lan về các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Dù đã ký kết Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, Bắc Kinh tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết và cáo buộc Philippines làm gia tăng căng thẳng bằng thách thức pháp lý.

Philippines hi vọng rằng một phán quyết có lợi cho nước này ít nhất sẽ giúp gia tăng áp lực ngoại giao toàn cầu lên Trung Quốc.

Nhưng dù kết quả thế nào, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không để các ngư dân Philippines trở lại đánh bắt tại bãi cạn Scarborough.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm