1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ "tố" Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp kinh tế khó khăn

Thành Đạt

(Dân trí) - Tình báo Mỹ tiếp tục phát hiện các hoạt động tại cơ sở hạt nhân của Triều Tiên trong bối cảnh nền kinh tế nước này suy thoái vì đại dịch Covid-19.

Mỹ tố Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp kinh tế khó khăn - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới dự triển lãm quốc phòng ở Bình Nhưỡng ngày 11/10 (Ảnh: Reuters).

Báo cáo do Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) công bố ngày 15/10 được đưa ra dựa trên các quan sát tại cơ sở hạt nhân Yongbyon và các cơ sở khác tại Triều Tiên. Báo cáo này tương tự bản đánh giá từng được tình báo Mỹ đệ trình lên cựu Tổng thống Donald Trump, bất chấp nỗ lực của ông Trump trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Theo DIA, trong những năm gần đây, ông Kim Jong-un đã "đặt ưu tiên vào việc phát triển và phô diễn các loại vũ khí cung cấp cho Triều Tiên phương tiện để tấn công các đối thủ ở xa, bao gồm Mỹ, bằng vũ khí hạt nhân".

DIA cho biết những mục tiêu này phản ánh một chiến lược tập trung vào việc "răn đe và cưỡng chế", cho phép Triều Tiên phát triển và nâng cao năng lực từ tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm cho tới vũ khí hạt nhân, thiết bị bay không người lái và không gian mạng.

Báo cáo của DIA nhận định sự bí ẩn của Triều Tiên khiến việc thu thập dữ liệu trở nên khó khăn. Báo cáo đánh giá rằng nền kinh tế Triều Tiên có thể đã suy thoái vào năm 2020 do hoạt động thương mại bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19.

Báo cáo cho biết, khoảng 20-30% nền kinh tế Triều Tiên được phân bổ cho quân đội và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ưu tiên hiện đại hóa cả lực lượng hạt nhân và lực lượng thông thường. Báo cáo nhận định, mặc dù Triều Tiên đã phát triển công nghệ cao, nhưng nước này vẫn có điểm yếu về hậu cần - yếu tố cần thiết cho "các hoạt động tác chiến bền vững".

Theo DIA, mặc dù các hệ thống đường ngầm và cơ sở quân sự có thể giúp Triều Tiên tồn tại trong một cuộc xung đột, nhưng nước này chỉ có đủ nguồn lực cho các hoạt động tác chiến phòng vệ trong vòng từ 2-3 tháng.

Triều Tiên ngày 11/10 đã tổ chức triển lãm quốc phòng ở thủ đô Bình Nhưỡng trong bối cảnh nước này đang đóng cửa biên giới để đối phó dịch Covid-19 và vẫn phải chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc do chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi.

Việc Triều Tiên tổ chức triển lãm quốc phòng được xem là động thái hiếm hoi đối với một quốc gia thường phô trương các loại vũ khí thông qua duyệt binh.

Tại triển lãm, Triều Tiên đã "trình làng" các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa mà Bình Nhưỡng tuyên bố có thể mang đầu đạn lướt siêu vượt âm. Một số lượng lớn vũ khí thông thường cũng được trưng bày, bao gồm tên lửa chống hạm, chống tăng và đất đối không, máy bay không người lái và vũ khí nhỏ như súng bắn tỉa.

Tại triển lãm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố một trong những mục tiêu hàng đầu của Triều Tiên là xây dựng một quân đội bất khả chiến bại. Ông Kim cũng gửi thông điệp cứng rắn tới Mỹ và Hàn Quốc, chỉ trích hai nước đồng minh gây ra bất ổn trong khu vực thông qua việc phát triển vũ khí và tập trận chung.

Triển lãm quốc phòng diễn ra sau khi Triều Tiên gần đây liên tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa, trong đó có vụ thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa phóng từ tàu hỏa và tên lửa được cho là có khả năng mang đầu đạn siêu vượt âm.