Ẩn ý sau màn khoe vũ khí tại triển lãm quân sự hiếm thấy của Triều Tiên
(Dân trí) - Việc Triều Tiên khai mạc triển lãm quốc phòng chỉ vài ngày trước Hàn Quốc được cho là nhằm gửi thông điệp tới quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Giới phân tích nhận định, việc Triều Tiên khai mạc triển lãm quốc phòng vài ngày trước Hàn Quốc một phần nhằm làm lu mờ quốc gia láng giềng trong bối cảnh chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên đang tăng nhiệt.
Hai sự kiện quốc phòng xảy ra cùng một thời điểm cũng cho thấy những tiến triển mới nhất mà Hàn Quốc và Triều Tiên đạt được trong việc mở rộng năng lực quân sự và phát triển vũ khí.
"Triều Tiên chắc chắn đã tính toán thời điểm để tổ chức triển lãm quốc phòng trong tuần này nhằm thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế trước khi Hàn Quốc dự kiến bán các hệ thống vũ khí của họ ra nước ngoài", Cho Jin-soo, cựu chủ tịch Hiệp hội Hàng không và Khoa học Vũ trụ Hàn Quốc, cho biết.
Theo chuyên gia Cho, Triều Tiên muốn "đi trước Hàn Quốc để tranh thủ bán vũ khí và gửi đi thông điệp rằng "Đừng quên tôi nhé"".
Triển lãm Quốc phòng & Hàng không Vũ trụ Quốc tế Seoul (ADEX) được tổ chức hai năm một lần kể từ năm 2009. Trong khi đó, triển lãm quốc phòng của Triều Tiên được tổ chức bất ngờ, không thông báo trước.
Trong bài phát biểu khai mạc triển lãm quốc phòng hôm 11/10, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nói rằng việc Hàn Quốc tăng cường sức mạnh quân sự là lý do khiến Triều Tiên phải phát triển quốc phòng. Ông Kim cũng nhắc lại việc Triều Tiên bị đối xử không công bằng so với các nước khác trong việc phát triển sức mạnh quân sự.
Mặc dù đều là sự kiện quốc phòng giống nhau và diễn ra trong cùng khoảng thời gian, nhưng hai triển lãm của Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn khác nhau. Hai nước cũng không nhắm đến nhóm khách hàng giống nhau.
Trong bối cảnh bị trừng phạt vì chương trình hạt nhân và đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch Covid-19, triển lãm quốc phòng của Triều Tiên chỉ có các quan chức nước này tham dự và không có phái đoàn quốc tế lớn nào.
Trong khi đó, Hàn Quốc cho biết ADEX sẽ có sự tham gia của 440 công ty từ 28 quốc gia. Khoảng 300 quan chức quân sự và quốc phòng từ 45 quốc gia, bao gồm các bộ trưởng quốc phòng, dự kiến sẽ tham dự. Hàn Quốc đã thông qua việc tăng ngân sách quốc phòng lớn trong những năm gần đây, nhằm đối phó với Triều Tiên, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ trong khi mở rộng lĩnh vực xuất khẩu quân sự.
Các sản phẩm trưng bày dự kiến bao gồm công nghệ quốc phòng mới nhất của Hàn Quốc, như máy bay không người lái chạy bằng hydro, hệ thống huấn luyện thực tế ảo, vũ khí laser và phương tiện không người lái đa năng. Một chuyên gia hàng không cho biết, tâm điểm của triển lãm quốc phòng Hàn Quốc sẽ là mẫu máy bay chiến đấu thế hệ mới KF-21, cũng như các vũ khí dẫn đường như tên lửa.
Mục đích của Triều Tiên
"Triều Tiên dường như có nhiều tính toán trong sự kiện này, trong đó có khả năng họ đang chuẩn bị cho một giai đoạn leo thang căng thẳng và đối đầu mới", Joost Oliemans, chuyên gia nghiên cứu năng lực quân sự Triều Tiên, nhận định.
Trong những năm gần đây, một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc theo dõi các lệnh trừng phạt quốc tế cáo buộc Triều Tiên tiếp tục xuất khẩu vũ khí và hợp tác quân sự với các nước như Syria và Myanmar.
Theo Rachel Minyoung Lee, nhà phân tích của trang mạng 38 North chuyên theo dõi Triều Tiên, triển lãm quốc phòng của Triều Tiên dường như nhằm tôn vinh lãnh đạo tối cao của đất nước, đồng thời trưng bày các loại vũ khí mới. Hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un được treo khắp hội trường tổ chức triển lãm.
Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết, quyết định của Triều Tiên về việc tổ chức triển lãm quốc phòng là động thái "rất hiếm" đối với một quốc gia thường phô trương kho vũ khí của mình trong các cuộc diễu binh.
Tại triển lãm, Triều Tiên đã "trình làng" các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa mà Bình Nhưỡng tuyên bố có thể mang đầu đạn lướt siêu vượt âm. Một số lượng lớn vũ khí thông thường cũng được trưng bày, bao gồm tên lửa chống hạm, chống tăng và đất đối không, máy bay không người lái và vũ khí nhỏ mới như súng bắn tỉa.
"Những gì chúng ta đang thấy là sự kết hợp giữa các hệ thống được phát triển gần đây và các thiết kế nguyên mẫu", chuyên gia Dempsey cho biết.
Cơ quan tình báo của Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang phân tích các khí tài quân sự được trưng bày tại triển lãm ở Triều Tiên. Khi được hỏi về màn phô diễn khí tài của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ đang đánh giá các loại vũ khí được trưng bày với sự phối hợp cùng Mỹ.
Thông qua sự kiện này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng gửi những thông điệp cứng rắn tới Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời cho cộng đồng quốc tế thấy sự phát triển của quân đội Triều Tiên. Triển lãm quốc phòng diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên gần đây liên tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa, trong đó có vụ thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa phóng từ đoàn tàu và tên lửa được cho là có khả năng mang đầu đạn siêu vượt âm.
Tại triển lãm quốc phòng, ông Kim Jong-un tuyên bố một trong những mục tiêu hàng đầu của Triều Tiên là xây dựng một quân đội bất khả chiến bại.
Chuyên gia về vũ khí hạt nhân Jeffrey Lewis nhận định, triển lãm này của Triều Tiên tập trung vào các tên lửa mới mà Bình Nhưỡng phát triển trong vòng 5 năm qua vừa nhằm mục đích phô trương những thành tựu quốc phòng vừa nhằm phát đi cảnh báo với các lực lượng thù địch.
Yang Wook, chuyên gia quân sự tại Đại học Hannam, Hàn Quốc, cũng bình luận: "Về cơ bản, Triều Tiên muốn phát đi thông điệp rằng: Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển vũ khí mới và tự trang bị cho lực lượng hạt nhân, do vậy, đừng áp lệnh trừng phạt vì chúng tôi không thể chấp nhận các tiêu chuẩn kép".