Mỹ tính siết xuất khẩu công nghệ hiện đại sang Trung Quốc
(Dân trí) - Mỹ dường như đang cân nhắc các lệnh giới hạn mới về xuất khẩu công nghệ tới Trung Quốc. Nếu các động thái này thành sự thật, tham vọng phát triển máy bay thương mại của Bắc Kinh sẽ bị cản trở.
Bloomberg ngày 18/2 dẫn 4 nguồn thạo tin cho hay chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đang cân nhắc lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ hiện đại tới Trung Quốc trong một một nỗ lực được cho nhằm hạn chế tiến trình phát triển máy bay thương mại của Bắc Kinh. Ngoài ra, các nguồn tin nói rằng, động thái của Mỹ dường như nhằm hạn chế sự tiếp cận của Huawei với công nghệ bán dẫn quan trọng.
Theo Bloomberg, các quan chức cấp cao Mỹ dự kiến sẽ ra quyết định vào cuối tháng này về việc cho chặn xuất khẩu động cơ do hãng General Electric sản xuất cùng hãng Safran (Pháp) sang Trung Quốc hay không. Bắc Kinh dùng các động cơ này để sản xuất máy bay nội địa C919 - phương tiện hiện đang trong quá trình bay thử, 3 nguồn thạo tin cho hay.
Song song với đó, Mỹ dường như cũng đang cân nhắc các biện pháp riêng biệt nhằm mở rộng lệnh kiểm soát xuất khẩu với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei bằng việc chặn các nhà sản xuất chip nước ngoài như TSMC của Đài Loan và các nhà cung cấp khác của Mỹ, bán các linh kiện cho Huawei.
Theo Bloomberg, các động thái trên dường như được chính quyền Trump thúc đẩy nhằm kiểm soát cái mà Mỹ gọi là “mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng” từ Trung Quốc. Các nguồn tin cho hay nước đi trên vẫn đang đối mặt với sự tranh luận trong nội bộ chính quyền và sẽ cần sự thông qua của ông Trump. Đại diện Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên.
Theo Bloomberg, việc quan chức Mỹ suy xét việc cấm xuất khẩu động cơ máy bay cho Trung Quốc dường như dựa vào nỗi lo ngại rằng các công ty Bắc Kinh sẽ sao chép công nghệ và đẩy nhanh quá trình phát triển của máy bay nước này. Tuy nhiên, hợp đồng bán động cơ đã được ký 6 năm trước và hàng chục động cơ đã được chuyển tới Comac, hãng sản xuất C919.
Trong một thông cáo, General Electric cũng tuyên bố họ đã có hàng chục năm kinh nghiệm bán sản phẩm trên toàn cầu và bảo vệ rất nghiêm ngặt tài sản sở hữu trí tuệ, cũng như hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ trong việc hoàn thành nghĩa vụ cũng như chia sẻ lợi ích kinh tế và an ninh.
Trong khi đó, các biện pháp đang được cân nhắc áp lên Huawei dường như nằm trong một chiến dịch của Mỹ ở quy mô rộng hơn nhằm thuyết phục các đồng minh và đối tác cấm hãng viễn thông này tham gia vào mạng 5G vì lo ngại rủi ro an ninh và cáo buộc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của hãng Trung Quốc. Huawei đã bác bỏ các cáo buộc này.
Đức Hoàng
Theo Bloomberg