1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc mơ phát triển máy bay chở khách loại lớn

(Dân trí) - Trung Quốc đang tìm kiếm các nhà cung cấp để phát triển chiếc máy bay chở khách thân rộng của riêng mình trong thập niên tới, đẩy mạnh tham vọng và sự cạnh tranh với các “ông lớn” Boeing và Airbus.

Mô hình một chiếc C919 của hãng COMAC.
Mô hình một chiếc C919 của hãng COMAC.
 
Chiếc máy bay tương lai - dự kiến có tên gọi C929 - sẽ là chiếc máy bay lớn nhất của Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) thuộc sở hữu nhà nước, các nhà cung cấp vốn đã có các cuộc thảo luận với công ty này, cho biết.

Đó sẽ là một bước tiến quan trọng dựa trên chiếc máy bay chở khách thân hẹp 158-168 ghế tên gọi C919 mà COMAC đang phát triển và chiếc ARJ21, hiện đang trải qua các chuyến bay thử nghiệm.

Mục tiêu của COMAC là C929 - có thể chở vài trăm hành khách trên các chuyến bay xuyên châu Á- sẽ cất cánh sau năm 2020, có thể là vào năm 2023.

Các tham vọng của COMAC sẽ được thể hiện tại triển lãm hàng không Chu Hải, vốn khai mạc tại thành phố Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông thuộc miền nam Trung Quốc vào ngày 11/11 tới, với một gian hàng trưng bày lớn về C919 và một nguyên mẫu ARJ21.

Các thách thức công nghệ đối với Trung Quốc nhằm chế tạo máy bay chở khách của riêng mình là rất lớn, một số người đã so sánh chúng với khó khăn nhằm đưa một sứ mệnh lên Mặt trăng. Nhưng chính phủ Trung Quốc coi việc phát triển một ngành công nghiệp máy bay chở khách là ưu tiên quốc gia, vốn có thể đưa nước này vào câu lạc bộ thượng hạng chỉ gồm một số nước.

Cùng lúc đó, Nga đã xích lại gần Trung Quốc, trong bối cảnh Mátxcơva đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây về Ukraine. Và sau 2 năm thảo luận, hai nước đã ký kết một thỏa thuận hồi tháng 10 nhằm phát triển điều mà truyền thông nhà nước gọi là “một máy bay lớn”.

Đối tác chiến lược của COMAC cho C929 là Tập đoàn máy bay thống nhất (UAC) của Nga.

“Nga và Trung Quốc đang hợp tác cùng nhau, tính toán các vấn đề, và giờ đây họ sẵn sàng khởi động đàm phán và nhận các ý tưởng từ các nhà cung cấp”, Briand Greer, người đứng đầu mảng hàng không vũ trụ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty Mỹ Honeywel, vốn đã cung cấp các thiết bị và hệ thống cho cả các máy bay C919 và ARJ21, cho hay.

COMAC đang nung nấu các ý tưởng về thiết kế của C929 trước khi đưa ra thông tin chính thức nhằm chuẩn bị cho tiến trình đấu thầu, các nguồn tin trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay cho hay.

“Chúng tôi đã thảo luận về dự án mới này, chiếc 929”, một nhà cung cấp khác cho C919 cho hay. “Họ đã bắt đầu với thiết kế mới của máy bay. Họ đang nói về việc ra mắt nó ngoài năm 2020”.

Một khả năng là chiếc máy bay thân rộng - có 2 lối đi - có thể bay trong nội địa châu Á với các hành trình lên tới 5 giờ, nhưng không dành cho các chuyến bay xuyên lục địa dài từ 12-14 giờ.

Một dự án như vậy có thể cạnh tranh với phiên bản Airbus A330, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm tới. Các máy bay trong họ A330 có từ 200-400 ghế. Các phiên bản thân rộng của Boeing gồm 767 và 787.

Trung Quốc đã mơ ước phát triển máy bay dân sự của riêng mình kể từ những năm 1970 khi bà Giang Thanh, vợ của ông Mao Trạch Đông, đích thân ủng hộ nỗ lực nhằm phát triển chiếc Y-10. Chỉ 3 chiếc Y-10 được chế tạo. Nhưng với các nguồn vốn lớn hiện nay, Trung Quốc giờ đây có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài, một số trong đó là các nhà cung cấp cho Boeing và Airbus.

C919, có tầm xa tới 5.555 km, theo kế hoạch sẽ có chuyến bay thử đầu tiên vào cuối năm tới, và dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2018, theo truyền thông nhà nước, mặc dù một số người hoài nghi về khả năng COMAC có thể đáp ứng mục tiêu.

Động cơ của C919 do CFM International, một liên doanh giữa tập đoàn Safran của Pháp và General Electric (GE) của Mỹ, chế tạo. COMAC đã nhận được 400 đơn đặt hàng cho C919, hầu hết từ các khách hàng nội địa. Trong khi đó, ARJ21 nhận được 253 đơn đặt hàng nhưng dự án đã bị trì hoãn nhiều năm, khi thời điểm bàn giao ban đầu dự kiến vào năm 2009.

COMAC có kế hoạch đề nghị cơ quan hàng không dân sự Trung Quốc cấp chứng nhận cho ARJ trước cuối năm nay, nhưng nó cũng cần sự phê chuẩn từ Cơ quan hàng không vũ trụ liên bang Mỹ (FAA) trước khi có thể bay tới hầu hết các quốc gia trên thế giới.

C919 đã bắt đầu được lắp ráp tại nhà máy rộng lớn nằm cạnh sân bay Phú Đông của Thượng Hải, nơi các nhân viên mặc đồng phục xanh lắp ráp các bộ phận vào thân máy bay.

Cũng tại địa điểm đó, các nhà hoạch định của COMAC đã để dành chỗ cho nhà máy chưa được xây dựng để chế tạo C929 trong tương lai.

An Bình
Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm