1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sự vội vã của Trung Quốc khi dẫn đầu làn sóng tẩy chay hãng máy bay Mỹ

(Dân trí) - Trung Quốc được cho là có những lý do nhất định khi là nước đầu tiên tuyên bố đình chỉ hoạt động của dòng máy bay Boeing 737 MAX sau hai vụ tai nạn liên tiếp.

Sự vội vã của Trung Quốc khi dẫn đầu làn sóng tẩy chay hãng máy bay Mỹ - 1

Máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Air China, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Một ngày sau vụ rơi máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines khiến 157 người thiệt mạng hôm 10/3, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ra lệnh đình chỉ toàn bộ dòng máy bay 737 MAX 8 của Boeing. Theo Washington Post, cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc muốn gửi một thông điệp rõ ràng rằng: Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) không còn là cơ quan duy nhất có quyền lực trong ngành hàng không dân dụng thế giới.

Sau khi Trung Quốc yêu cầu 12 hãng hàng không dừng vận hành 96 chiếc Boeing 737 MAX, chiếm 1/4 tổng số máy bay Boeing 737 MAX đang hoạt động trên toàn thế giới, một loạt các quốc gia khác cũng “nối gót” Bắc Kinh thực hiện động thái tương tự. Đây là đòn giáng mạnh mẽ với Boeing vì Trung Quốc là thị trường tiềm năng của nhà sản xuất máy bay này.

Ngay sau vụ tai nạn tại Ethiopia, FAA ra thông báo khẳng định 737 MAX vẫn đủ điều kiện hoạt động và thể hiện sự ủng hộ với dòng máy bay được xem là “con cưng” của Boeing.

Chưa từng có tiền lệ

Động thái của Trung Quốc được cho là chưa từng có tiền lệ vì Bắc Kinh trước đây thường nghe theo khuyến nghị từ FAA. Điều này có thể xuất phát từ sự hoài nghi của các quan chức và phi công Trung Quốc về phản ứng mập mờ của giới chức Mỹ cũng như Boeing sau khi Bắc Kinh đưa ra yêu cầu về an toàn sau vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) vào tháng 10 năm ngoái.

Động thái của Trung Quốc và ngày càng nhiều quốc gia khác có thể gia tăng sức ép lên Boeing và giới chức Mỹ ngay cả khi cuộc điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn ở Ethiopia mới đang ở giai đoạn đầu tiên.

“Sự khác biệt về quan điểm sẽ gia tăng sức ép buộc FAA phải công bố lập trường của họ cũng như đưa ra đề xuất để xử lý vấn đề”, Andrew Herdman, tổng giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á Thái Bình Dương, cho biết.

Một quan chức cấp cao thuộc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) ngày 11/3 cho biết phía Trung Quốc đã hỏi các đối tác tại FAA cũng như Boeing về phần mềm vận hành máy bay cũng như các vấn đề an toàn liên quan tới dòng máy bay 737 MAX mới, sau khi một chiếc 737 MAX rơi xuống biển Indonesia khiến 189 người thiệt mạng vào mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ đối tác ở Mỹ.

Các chuyên gia hàng không cho rằng vấn đề xảy ra với phần mềm bay, Hệ thống Tăng cường Chức năng Điều khiển (MCAS) và cảm biến góc tấn có thể là nguyên nhân dẫn tới hai vụ tai nạn của Ethiopian Airlines và Lion Air. Boeing đã ra thông báo cho các phi công trên toàn thế giới về MCAS sau vụ rơi máy bay Lion Air, song hãng vẫn bị chỉ trích vì không thực hiện điều này sớm hơn hoặc kỹ lưỡng hơn.

“Họ gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định, vì thế chúng tôi phải là người đi đầu”, Phó Giám đốc CAAC Li Jian nói với các phóng viên tại Bắc Kinh, đề cập việc FAA không đưa ra các biện pháp mạnh tay hơn liên quan tới vụ việc của 737 MAX.

Theo ông Li, phần mềm của máy bay Boeing 737 MAX có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng khi kết hợp với thiết bị cảm biến không đáng tin cậy và điều này đang diễn ra với các phi công Trung Quốc.

“Những tình huống như vậy đã từng xảy ra nhiều lần”, ông Li nói, song không đề cập thông tin cụ thể.

Ông Li cho biết Trung Quốc sẽ nối lại các chuyến bay sử dụng 737 MAX sau khi nhận được sự bảo đảm an toàn đầy đủ từ Boeing. Tuy vậy, ông cũng cảnh báo nguy cơ các phi công Trung Quốc “không dám và không thể vận hành” dòng máy bay này.

Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã đi ngược lại với thông lệ của ngành công nghiệp hàng không cũng như các quy chuẩn khi ngay lập tức đình chỉ hoạt động của Boeing 737 MAX dù cuộc điều tra của Ethiopia vừa mới bắt đầu và các nhà điều tra cũng chưa chỉ ra sự liên quan cụ thể giữa hai vụ rơi máy bay của Indonesia và Ethiopia.

Theo Neil Hansford, nhà tư vấn hàng không tại tổ chức Nghiên cứu Chiến lược Hàng không ở Sydney, Australia, quyết định của Trung Quốc ít nhất bị tác động một phần về mặt chính trị trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đang diễn ra căng thẳng.

Chuyên gia Hansford nhận định các nhà chức trách Trung Quốc có nhiều lý do để “ra tay” trước khi FAA có động thái chính thức. Theo Hansford, FAA chần chừ trong việc đưa ra hành động cứng rắn với Boeing vì đây là nhà sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ.

“Không khó (để Trung Quốc) hành động trước FAA. Nếu đây là máy bay của Airbus, FAA đã hành động rồi”, Hansford nói, đề cập tới nhà sản xuất máy bay tại châu Âu.

Ủng hộ hàng nội địa

Sự vội vã của Trung Quốc khi dẫn đầu làn sóng tẩy chay hãng máy bay Mỹ - 3

Máy bay C919 của Trung Quốc. (Ảnh: CGTN)

 

Lệnh cấm bay của Trung Quốc đối với Boeing 737 MAX 8 xảy ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy mạnh ngành công nghiệp hàng không nội địa trong những năm gần đây. Trung Quốc cũng đang triển khai chiến dịch quảng bá máy bay C919 do nước này sản xuất tới các công ty hàng không trên toàn thế giới.

Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), đơn vị thiết kế, phát triển và sản xuất máy bay chở khách C919, đã bắt đầu xây dựng trung tâm huấn luyện dịch vụ khách hàng tại tỉnh Chiết Giang.

Mặc dù đã hoàn tất thành công giai đoạn thử nghiệm kéo dài, song việc quảng bá C919 vẫn diễn ra chậm chạp kể từ khi máy bay này trình làng vào tháng 5/2017. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn kỳ vọng C919 có thể cạnh tranh với dòng 737 MAX của Boeing.

Theo CNA, COMAC gặp nhiều rào cản trong kế hoạch mở rộng thị trường của máy bay do tập đoàn này sản xuất. Một trong số các lý do dẫn tới hiện tượng này là bởi Cục Hàng không Liên bang Mỹ từ chối cấp chứng nhận và phê chuẩn cho các chuyến bay cũng như các cuộc thử nghiệm bay của máy bay Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ.

Thành Đạt

Theo Washington Post, CNA