Mỹ tính chi 110 tỷ USD cho "vũ khí" đặc biệt nhằm vượt mặt Trung Quốc
(Dân trí) - Mỹ đang cân nhắc chi 110 tỷ USD nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc trên "mặt trận" mới, nơi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cạnh tranh nhau quyết liệt.
Ủy ban Thương mại, Khoa học và Vận tải của Thượng viện Mỹ ngày 13/5 đã bỏ phiếu thông qua dự luật "Biên giới bất tận", nhằm chi 110 tỷ USD cho ngân sách nghiên cứu khoa học cơ bản, trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng quyết liệt.
Kế hoạch chi khoản tiền "khủng" này dự tính kéo dài trong 5 năm, với mục tiêu nghiên cứu về lĩnh vực khoa học có thể ứng dụng trong công nghệ tương lai, như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, điện toán lượng tử, hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến, công nghệ sinh học và năng lượng hiện đại.
Dự luật sắp tới sẽ được trình lên lưỡng viện của Mỹ để thông qua thành luật. Giới quan sát nhận định, chính giới Mỹ đang ngày càng thể hiện sự đồng thuận về việc cần phải làm nhiều hơn nữa để đối phó với thách thức công nghệ chiến lược từ Trung Quốc. Hồi tháng 1, Mỹ thông qua luật cho phép đầu tư nhằm phát triển việc sản xuất chất bán dẫn nội địa.
Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer tuyên bố, dự luật được thông qua hôm 13/5 nếu được ký thành luật thì nó có thể giúp Mỹ vượt mặt các quốc gia như Trung Quốc. Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc đang đặt ra thách thức lớn cho Mỹ trong "cuộc chiến" công nghệ giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nếu dự luật được thông qua, nó sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến lược của Mỹ với nghiên cứu công nghệ, đề cao vai trò của nhà nước trong việc dẫn dắt nỗ lực tìm hiểu, khám phá khoa học.
Trung Quốc trong năm 2019 đầu tư 2,2% GDP (340 tỷ USD) vào hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ. Bắc Kinh đặt ra mục tiêu tăng con số này lên 584 tỷ USD vào năm 2025.
Với dự luật mới, Mỹ muốn tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong công nghệ quan trọng. Mục tiêu chính là thúc đẩy quan hệ đối tác trong lĩnh vực công và tư nhân của Mỹ để thúc đẩy nghiên cứu, thương mại hóa trong các lĩnh vực quan trọng. Nó cũng đặt ra những hạn chế trong hợp tác với Trung Quốc và thúc đẩy sự phát triển trong các lĩnh vực cạnh tranh giữa hai nước.