1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguy cơ Mỹ - Trung lâm vào cuộc chiến tổng lực về trí tuệ nhân tạo

An Bình

(Dân trí) - Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger kêu gọi Mỹ có các chính sách nhằm ngăn chặn Trung Quốc bá quyền, đồng thời cảnh báo hai cường quốc tránh rơi vào một cuộc xung đột tổng lực về trí tuệ nhân tạo.

Nguy cơ Mỹ - Trung lâm vào cuộc chiến tổng lực về trí tuệ nhân tạo - 1

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (Ảnh: AFP).

Vai trò của trí tuệ nhân tạo

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải hồi tuần qua trên báo Die Welt (Đức), ông Kissinger - Ngoại trưởng Mỹ từ 1973-1977 và từng đóng vai trò then chốt trong việc mở đường để Trung - Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979 - cho rằng điều quan trọng là cần ngăn chặn Trung Quốc và phương Tây rơi vào một cuộc chiến tổng lực về trí tuệ nhân tạo.

Ở tuổi 97, Kissinger tự gọi mình là một sinh viên ngành trí tuệ nhân tạo, cho rằng lĩnh vực này "không chỉ cuốn hút về kinh tế, mà còn về mặt triết học, vì nó sẽ thay đổi bản chất suy nghĩ của con người về thực tại, điều sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta".

"Mỹ cần duy trì mức độ ưu tiên cao về trí tuệ nhân tạo", ông nói.

Tuy nhiên, ông Kissinger cũng nhận định sẽ là sai lầm nếu cho rằng Trung Quốc sẽ tự động vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

"Mặc dù cả hai nước về mặt lý thuyết có thể có khả năng chiến thắng nhưng không bên nào chọn cách làm điều đó, họ nên có những giới hạn bằng mức độ hiểu biết nào đó. Hãy cố gắng như vậy, bởi một cuộc xung đột tổng lực sẽ rất khó tưởng tượng. Mỹ phải luôn duy trì sự phòng thủ thích hợp. Nhưng trong thế giới công nghệ cao, cũng cần phải hành động để cùng tồn tại", cựu Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo.

Mặc dù ông Kissinger cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng giữ mối quan hệ song phương trong các giới hạn chấp nhận được theo truyền thống, công chúng nước này đã tin rằng Trung Quốc là "kẻ thù cố hữu" và nhiệm vụ chính của Washington là đối đầu với Bắc Kinh.

Nhưng ông Kissinger nói, những người nghĩ rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc phải bị ngăn chặn ở mọi cấp độ, cũng như nỗ lực thay đổi điều đó, sẽ vấp phải sự phản kháng tối đa từ Bắc Kinh.

"Vấn đề lớn cần xem xét không chỉ là ngăn chặn sự bá quyền của Trung Quốc, mà còn phải hiểu rằng nếu chúng ta đạt được mục tiêu đó - điều mà chúng ta phải làm - thì vẫn cần phải cùng tồn tại với một nước lớn như vậy", ông nói.

Những bình luận từ cựu Ngoại trưởng Kissinger - người mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là "một người bạn cũ của Bắc Kinh" - diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mặc dù chính quyền Biden khẳng định rằng vẫn có không gian cho hợp tác giữa hai nước về các vấn đề như biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu, điều này trở nên khó khăn trong bối cảnh hai bên vẫn căng thẳng về hàng loạt vấn đề khác như thương mại, công nghệ, các lợi ích chiến lược cạnh tranh, nhân quyền và ý thức hệ.

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì hồi tuần này cảnh báo rằng Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác nhiều hơn, nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều đó nếu "bất kỳ ai thách thức đảng Cộng sản Trung Quốc, thể chế chính trị hay ban lãnh đạo Trung Quốc", trong bối cảnh Tổng thống Biden đề xuất chi hàng nghìn tỷ USD để giúp Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc.

Khốc liệt hơn Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô

Cũng liên quan tới quan hệ Mỹ - Trung, phát biểu tại Diễn đàn Sedoa về các vấn đề toàn cầu của Viện McCain ngày 30/4, ông Kissinger cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung đe dọa lan ra toàn cầu và có thể dẫn tới một cuộc xung đột quyết liệt giữa hai cường quốc công nghệ và quân sự.

Theo ông Kissinger, sự kết hợp giữa sức mạnh công nghệ, quân sự và kinh tế của hai siêu cường thế giới gây ra nhiều rủi ro hơn Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

Các căng thẳng với Trung Quốc là "vấn đề lớn nhất đối với Mỹ và thế giới", ông nhấn mạnh. "Vì nếu chúng ta không thể giải quyết nó, nguy cơ là một kiểu chiến tranh lạnh sẽ gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trên khắp thế giới".

Theo ông Kissinger, mặc dù trong Chiến tranh Lạnh, các vũ khí hạt nhân đã đủ lớn để có thể làm tổn hại toàn cầu, nhưng những tiến bộ về công nghệ hạt nhân và trí tuệ nhân tạo - nơi cả Mỹ và Trung Quốc đều đang dẫn đầu thế giới - đã càng nhân lên mối đe dọa.

"Lần đầu tiên trong lịch sử, con người có khả năng tự diệt vong trong một khoảng thời gian ngắn. Chúng ta đã phát triển công nghệ của một sức mạnh vượt xa những gì bất kỳ ai có thể tưởng tượng 70 năm trước.

Và giờ đây, vấn đề hạt nhân được bổ sung vấn đề công nghệ cao, mà trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bản chất của nó dựa trên sự thật rằng con người trở thành đối tác của máy móc và máy móc có thể phát triển sự phán xét của riêng nó. Vì vậy trong một cuộc xung đột quân sự giữa 2 cường quốc công nghệ, điều đó sẽ vô cùng quan trọng", ông nói.

Theo ông Kissinger, Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trong nhiều thập niên sau Thế chiến II diễn ra một chiều, tập trung vào cuộc cạnh tranh vũ khí hạt nhân.

"Liên Xô không có tiềm lực kinh tế, họ chỉ có tiềm lực công nghệ quân sự. Họ không có khả năng công nghệ phát triển như Trung Quốc. Trung Quốc là một cường quốc kinh tế lớn, ngoài việc là một cường quốc quân sự quan trọng", ông Kissinger cảnh báo.

Theo cựu quan chức Mỹ, chính sách của Mỹ với Trung Quốc phải thực hiện theo cách tiếp cận 2 hướng: giữ vững các nguyên tắc của Mỹ để yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng, trong khi vẫn duy trì đối thoại liên tục và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác.

"Tôi không nói rằng ngoại giao luôn dẫn tới những kết quả có lợi. Đây là một nhiệm vụ phức tạp… Không ai thành công tuyệt đối trong việc này", ông nói.

Tiếng nói của những nhân vật hiểu biết về Trung Quốc và có ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ với Bắc Kinh trước đây, như ông Kissinger, hiện nay đã giảm sức nặng, trong bối cảnh lưỡng đảng Mỹ ngày càng đồng thuận rằng cần cứng rắn hơn nữa để đối đầu và cạnh tranh với Trung Quốc.

Một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh cho rằng ông Kissinger từng đóng một vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, dù quan điểm của ông hiện đã bớt ảnh hưởng trong giới hoạch định chính sách Mỹ so với trước đây.