1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đối đầu Mỹ - Trung phủ bóng 100 ngày đầu cầm quyền của ông Biden

Thanh Thành

(Dân trí) - Tổng thống Joe Biden có những dấu ấn trên cương vị ông chủ mới của Nhà Trắng, nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung đã phủ bóng lên 100 ngày đầu nắm quyền của ông.

Đối đầu Mỹ - Trung phủ bóng 100 ngày đầu cầm quyền của ông Biden - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ản: Getty).

Cuối cùng, Tổng thống Biden đã quyết định sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội, đánh dấu 100 ngày đầu tiên nắm quyền vào ngày 30/4 tới, trong bối cảnh nước Mỹ vật lộn với các vấn đề cấp thiết như đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế.

Nhà Trắng tuần vừa rồi cho biết, ông Biden đã nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có bài phát biểu đầu tiên tại phiên họp chung của quốc hội vào ngày 28/4 tới, trong đó ông Biden sẽ nói về "những thách thức và cơ hội của thời điểm lịch sử này". Về mặt kỹ thuật, bài phát biểu này không phải là thông điệp liên bang mà các tổng thống Mỹ vẫn đưa ra hàng năm.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 1, ông Biden khởi động chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 và những tác động kinh hoàng đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông chủ mới của Nhà Trắng cho thấy nỗ lực đảo ngược chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của người tiền nhiệm Donald Trump (vốn né tránh các liên minh truyền thống), để thúc đẩy hợp tác quốc tế về nhiều vấn đề, bao gồm cả biến đổi khí hậu.

Càng tiến gần đến mốc đánh dấu 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Biden, các chính sách trên càng được khen ngợi. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại về thực tế đối đầu ngày càng khốc liệt giữa Mỹ - Trung, nhấn mạnh rằng, siêu cường mới nổi của châu Á không dễ dàng bị loại khỏi con đường toàn cầu hóa.

Dấu hiệu kinh tế phục hồi

Tại phiên thảo luận về "100 ngày đầu tiên: Các chính sách của ông Biden và tác động đối với châu Á", Trưởng đại diện Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Siddharth Tiwari cho rằng nhà lãnh đạo này đã nỗ lực "thiết lập lại chương trình nghị sự toàn cầu bằng cách đảo ngược chính sách đơn phương (dưới thời ông Trump), tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tận dụng sức mạnh của các đồng minh và các thể chế toàn cầu". Ông Tiwari đã chấm điểm A cho ông chủ mới của Nhà Trắng trong những tháng đầu nắm quyền.

Trong khi đó, ông Richard McGregor, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Lowy của Australia, lại chấm điểm B+, ca ngợi những bước đi đầu tiên có tổ chức và khá táo bạo của chính quyền ông Biden và cho thấy "ánh sáng cuối đường hầm" cho cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này. "Một khi kinh tế phục hồi, Mỹ mới có thể tìm lại được vị thế trên trường quốc tế, vốn đã bị lung lay nghiêm trọng dưới thời ông Trump", ông McGregor nhấn mạnh. Bởi theo ông, càng có "vị thế về kinh tế", Mỹ mới càng tự tin hơn trong chính sách thương mại - động thái có thể mở ra cánh cửa cho các chính sách lớn hơn như tái ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - nay đổi tên là CPTTP).

Đã có những dấu hiệu chắc chắn cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà hồi sinh, trong đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng GDP của Mỹ là 6,4% vào năm 2021 và 3,5% vào năm 2022. Để thúc đẩy nền kinh tế, Tổng thống Biden đã ký phê duyệt gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD vào đầu tháng 3. Trong quyết định táo bạo khác, ông đề xuất kế hoạch trị giá 2.300 tỷ USD để tái thiết mạng lưới cơ sở hạ tầng đang xuống cấp của Mỹ và để giải quyết tốt hơn bài toán biến đổi khí hậu. Theo chuyên gia Takehiko Nakao, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Mizuho và là cựu Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đó thật sự là những sáng kiến có ý nghĩa quan trọng.

Điểm cộng khác cho ông Biden là quan tâm giải quyết tình trạng bất bình đẳng, đề xuất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu (tức là áp mức thuế tối thiểu chung cho các doanh nghiệp dù họ đặt ở đâu) để ngăn các công ty trốn thuế.

Bà Eriko Asai, Chủ tịch GE (Nhật Bản), cho biết, các doanh nghiệp đều hoan nghênh cam kết của tân Tổng thống Mỹ đối với vấn đề biến đổi khí hậu và tái gia nhập Hiệp định Paris về chống biển đối khí hậu.

Bài toán Trung Quốc

Vấn đề lớn nhất mà các chuyên gia đặt ra trong 100 ngày nắm quyền của ông Biden là tình trạng căng thẳng Mỹ - Trung. Nhiều chuyên gia đánh giá cao chính sách cứng rắn của Nhà Trắng với Trung Quốc, dù vẫn cho rằng kinh tế Trung Quốc đóng vai trò đầu tầu quan trọng trong chiến lược tăng trưởng trong tương lai của châu Á.

"Tôi nghĩ Mỹ không thể chấp nhận khi trật tự thế giới đang dần thay đổi, nhưng nếu tách hoàn toàn Mỹ ra khỏi Trung Quốc cũng như tách Trung Quốc ra khỏi các nước khác bằng những chính sách hà khắc cũng không mang lại lợi ích gì", chuyên gia Takehiko Nakao nói.

Nhưng chuyên gia McGregor lại có cái nhìn lạc quan hơn trong vấn đề này, nhất là trong bối cảnh chính quyền của ông Biden không ngần ngại tuyên bố ủng hộ Australia sau khi Bắc Kinh hồi năm ngoái áp đặt các biện pháp thương mại nhằm vào Canberra. Ông McGregor cho biết ông thật sự "rất bất ngờ" về chính sách đối ngoại rõ ràng như thế này của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại lo lắng khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng. Tại hội nghị thượng đỉnh Alaska gần đây, Mỹ - Trung đều tung ra những giọng điệu gay gắt nhằm vào nhau. Theo nhận định của ông Tommy Koh, Chủ tịch hội đồng quản trị tại Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nguyên nhân căng thẳng là do cả hai đều muốn "đánh phủ đầu" trong cuộc gặp đầu tiên. Nhưng Chủ tịch Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản, Kenichiro Sasae lại cho rằng, cuộc gặp này đánh dấu "khởi đầu xu hướng mới trong cuộc chiến bá quyền".

Theo quan điểm của chuyên gia Sasae, cuộc gặp Mỹ - Trung ở Alaska hồi tháng trước đã cho thấy một cuộc xung đột mới về cách thức quản trị một đất nước. Và ông cũng cho rằng, sẽ có lợi đối với Nhật Bản khi Mỹ cứng rắn với Trung Quốc, vì Mỹ là quốc gia duy nhất có thể ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh và Biển Đông cũng như Hoa Đông. 

Nhiều nước đã bày tỏ sự lo ngại trước sự lớn mạnh của Trung Quốc và sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trên khắp toàn cầu, do đó, việc Mỹ tập hợp các đồng minh và đối tác để đối trọng với Trung Quốc là một động thái dễ nhận được sự ủng hộ của các nước.