"Ngựa ô" sắp xuất hiện trong cuộc chơi ngoại giao Mỹ - Trung?
(Dân trí) - Đại sứ tiếp theo của Trung Quốc tại Mỹ có thể là nhân tố bí ẩn trong mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.
Ở tuổi 68, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã qua tuổi về hưu thông thường. Ông đã nắm giữ vị trí quan trọng này suốt 8 năm qua - một khoảng thời gian dài bất thường.
Ông Thôi là một phần trong đội ngũ đối ngoại gạo cội của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách cải tổ để phản ánh tham vọng toàn cầu giữa lúc căng thẳng với phương Tây leo thang.
Vài tháng trở lại đây, Trung Quốc dường như bắt đầu đặt trọng tâm hơn vào việc bổ nhiệm mới các nhân sự quan trọng trong lĩnh vực ngoại giao như đại sứ Trung Quốc tại Anh.
Sắp tới, Bắc Kinh được cho là sẽ bổ nhiệm chức vụ đại sứ quan trọng nhất tại nước ngoài - đại sứ tại Mỹ. Theo một số nguồn thạo tin, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang nhiều khả năng sẽ thay thế ông Thôi Thiên Khải. Nếu được xác nhận, việc bổ nhiệm ông Qin sẽ là một bất ngờ lớn với nhiều người, thậm chí với cả những nhân vật nội bộ chính phủ Trung Quốc. Mặc dù những năm qua đã có đồn đoán việc ông Thôi Thiên Khải về hưu, song ông Qin chưa từng được coi là ứng viên sáng giá kế nhiệm ông Thôi.
Hiện chưa rõ khi nào Bắc Kinh sẽ công bố chính thức. Thông thường, việc bổ nhiệm các đại sứ mới sẽ được công bố khoảng vài tuần sau bổ nhiệm. Theo các chuyên gia phân tích, Bắc Kinh dường như sẽ chưa công bố nhân sự mới trước khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ nhiệm đại sứ mới tại Trung Quốc.
"Ngựa ô" trong cuộc chơi ngoại giao Mỹ - Trung
Các nguồn tin mô tả ông Qin, quan chức ngoại giao của Trung Quốc phụ trách các vấn đề châu Âu, là "ngựa ô", ngầm chỉ ông là nhân tố bí ẩn trong quá trình lựa chọn đại sứ mới tại Mỹ. Việc ông không tham gia trực tiếp vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Mỹ cũng như ít kinh nghiệm về Mỹ bị coi là yếu tố bất lợi.
Gu Su, nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh, cho rằng việc bổ nhiệm ông Qin nếu được xác nhận sẽ là "chưa từng có tiền lệ". "Điều này hoàn toàn bất ngờ, chúng ta không biết chắc chắn sự sắp xếp nhân sự. Tuy nhiên, trong giới đối ngoại, người ta thường nói khi một người chuyên trách một quốc gia hay một khu vực nào đó sẽ dần dần có thiện cảm và nghiêng về quốc gia, khu vực đó. Đó là lý do tại sao phải luân chuyển các nhà ngoại giao", ông Gu Su nói.
Những đồn đoán xung quanh việc bổ nhiệm ông Qin khiến giới chuyên gia tự hỏi tại sao không phải 4 ứng viên khác gồm 3 thứ trưởng ngoại giao và 1 cựu thứ trưởng - những người đều được đánh giá là có năng lực.
Yun Sun, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng sự khác biệt là ở chỗ ông Qin được xem là một phần trong đội ngũ ngoại giao trẻ, không lảng tránh các vấn đề gai góc, gây tranh cãi. "Nếu đó là phong cách mà ông ấy sẽ duy trì thì nó rất phù hợp với ngoại giao chiến lang đang được Trung Quốc áp dụng", bà Yun Sun nói.
Steve Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS có trụ sở tại London (Anh), cho rằng việc bổ nhiệm ông Qin sẽ cho thấy ông ấy là một trong những người được Chủ tịch Tập Cận Bình tin tưởng. "Nó dường như cho thấy ông Tập muốn lựa chọn người mà ông ấy tin tưởng hơn là một người nhiều kinh nghiệm cho chức vụ đại sứ tại Mỹ", chuyên gia Tsang nói.
Huang Jing, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu khu vực và quốc tế tại Đại học Văn hóa - Ngôn ngữ Bắc Kinh, nhận định việc ông Qin ít kinh nghiệm về Mỹ có thể giúp ích cho ông ấy. "Ông ấy là một gương mặt tương đối mới với người Mỹ, nghĩa là nhiều người có thể ủng hộ ông ấy. Điều đó khiến ông ấy là một lựa chọn chấp nhận được. Cả ông Biden và ông Tập đều muốn ổn định quan hệ song phương, tập trung vào các vấn đề đối nội. Các đại sứ mới sẽ được giao nhiệm vụ ngăn chặn sự suy giảm trong quan hệ song phương", ông nói thêm.