1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ tính "bắt tay" đồng minh đẩy Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác thân cận trong một nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ không có sự tham gia của Trung Quốc.

Mỹ tính bắt tay đồng minh đẩy Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ - 1

(Ảnh minh họa: Reuters)

Nikkei dẫn nguồn tin cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho sẽ ký một mệnh lệnh hành pháp trong tháng này nhằm đẩy nhanh nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng chip điện tử và các sản phẩm quan trọng chiến lược khác để ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Mỹ muốn thực hiện mục tiêu này thông qua hợp tác với Australia, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mệnh lệnh trên sẽ yêu cầu việc phát triển một chiến lược chuỗi cung ứng quốc gia và dự kiến sẽ kêu gọi các khuyến nghị cho các mạng lưới cung ứng ít bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn như thảm họa và các lệnh trừng phạt từ những quốc gia không thân thiện. Các biện pháp sẽ tập trung vào mặt hàng như chất bán dẫn, pin xe điện, kim loại đất hiếm và các sản phẩm y tế, theo Nikkei.

Dự thảo của sắc lệnh nêu rõ rằng "hợp tác với các đồng minh có thể dẫn đến chuỗi cung ứng mạnh mẽ và linh hoạt", cho thấy rằng các mối quan hệ quốc tế sẽ là trọng tâm trong kế hoạch này. Washington dự kiến sẽ theo đuổi quan hệ đối tác với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip và các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Australia, về đất hiếm.

Mỹ có kế hoạch chia sẻ thông tin với các đồng minh trên mạng lưới cung cấp các sản phẩm quan trọng và sẽ tìm cách thúc đẩy sản xuất bổ sung khi cần. Washington sẽ xem xét một khung để chia sẻ nhanh chóng các mặt hàng này trong trường hợp khẩn cấp, cũng như thảo luận về việc đảm bảo kho dự trữ và năng lực sản xuất dự phòng. Các đối tác có thể được yêu cầu làm ăn ít hơn với Trung Quốc.

Theo Nikkei, Mỹ dường như cho rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc với các sản phẩm quan trọng gây ra rủi ro an ninh. Bắc Kinh đã sử dụng các quy định để gây áp lực lên các đối tác thương mại, chẳng hạn như áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 trong lúc 2 nước căng thẳng về quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Mỹ nhập khẩu khoảng 80% đất hiếm từ Trung Quốc và phụ thuộc vào Bắc Kinh tới 90% với một số sản phẩm y tế.