1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ - Pháp "làm lành" sau khủng hoảng ngoại giao vì thỏa thuận tàu ngầm

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ và Pháp đã nhất trí hàn gắn quan hệ song phương sau thỏa thuận tàu ngầm gây tranh cãi của Australia.

Mỹ - Pháp làm lành sau khủng hoảng ngoại giao vì thỏa thuận tàu ngầm - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: Reuters).

Trong tuyên bố chung được công bố sau cuộc điện đàm kéo dài 30 phút giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 22/9, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiến hành các cuộc tham vấn sâu để xây dựng lại lòng tin và dự kiến gặp nhau tại châu Âu vào cuối tháng 10.

"Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng tình hình đáng lẽ có thể cải thiện hơn từ các cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh về các vấn đề có lợi ích chiến lược đối với Pháp và các đối tác châu Âu của chúng tôi. Tổng thống Biden thể hiện cam kết kéo dài của ông đối với vấn đề này", tuyên bố chung của Mỹ và Pháp cho biết.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki mô tả cuộc gọi giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Pháp là "thân thiện", đồng thời bày tỏ hy vọng về việc cải thiện quan hệ song phương.

"Tổng thống (Biden) đã có một cuộc điện đàm thân mật với Tổng thống Pháp. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý gặp nhau vào tháng 10, tiếp tục tham vấn chặt chẽ và cùng nhau giải quyết một loạt vấn đề", bà Psaki cho biết thêm.

Khi được hỏi liệu Tổng thống Biden có xin lỗi Tổng thống Macron không, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết: "Tổng thống (Biden) thừa nhận đáng lẽ cần có sự tham vấn sâu hơn".

Pháp ngày 17/9 đã triệu hồi hai đại sứ của Pháp tại Mỹ và Australia trở về Paris để tham vấn, 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố thỏa thuận hợp tác an ninh - quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay còn gọi là thỏa thuận AUKUS. Đây được cho là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Pháp có động thái gay gắt như vậy.

Chính phủ Pháp nói rằng họ cảm thấy "bị phản bội" khi Australia hủy thỏa thuận đóng tàu ngầm truyền thống ước tính 40 tỷ USD với Pháp, thay vào đó đạt thỏa thuận mới với Mỹ và Anh về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Giới chức Pháp nói rằng họ không được báo trước về quyết định hủy thỏa thuận đóng tàu ngầm của Australia.

Ngay sau khi lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận AUKUS, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã ra tuyên bố đầy giận dữ. Ngoại trưởng Pháp thậm chí gọi đó là "cú đâm sau lưng" của các đồng minh.

"Việc lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ giữa Mỹ và Pháp, chúng tôi triệu hồi đại sứ để tham vấn là một hành động chính trị nghiêm trọng cho thấy mức độ của cuộc khủng hoảng hiện nay giữa hai quốc gia và với cả Australia", Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian

Tuy nhiên sau cuộc điện đàm của Tổng thống Biden và Tổng thống Macron, Pháp đã đồng ý đưa đại sứ trở lại Mỹ trong những ngày tới. Washington cũng cam kết đẩy mạnh "hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố" do các quốc gia châu Âu tiến hành ở châu Phi.

AUKUS được đánh giá là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, song đã khiến Pháp "phật lòng". Việc tuột mất thỏa thuận tàu ngầm tỷ USD với Australia có thể tác động mạnh đến ngành sản xuất quốc phòng của Pháp, ngoài ra nó có thể khiến Pháp thua thiệt về mặt chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Pháp có những lợi ích quan trọng.