1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhiều chính trị gia kêu gọi Pháp tính đến khả năng rời NATO

Sau khi Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm, các tầng lớp chính trị Pháp, từ cánh tả đến cánh hữu đều chưa nguôi giận dữ. Tất cả đều cho rằng Pháp cần có hành động đáp trả mạnh mẽ và ủng hộ Pháp rời khỏi NATO.

Nhiều chính trị gia kêu gọi Pháp tính đến khả năng rời NATO - 1

Bộ trưởng Quân đội Pháp Florence Parly cho biết, Pháp đang đánh giá lại các mối quan hệ đồng minh hiện nay (Ảnh: Reuters).

Ngày hôm qua (22/9) giải trình trước Quốc hội về vụ việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm để ký với Mỹ, Bộ trưởng Quân đội Pháp, bà Florence Parly cho biết Pháp đang đánh giá lại các mối quan hệ đồng minh hiện nay, nhất là phản ứng từ các đối tác châu Âu: "Chúng tôi hiện đang đánh giá các lựa chọn đối với từng đối tác. Hiện tại, việc Ngoại trưởng Jean Yves Le Drian tham dự diễn đàn Liên Hợp Quốc tại New York cũng là để "chia sẻ" với các đối tác châu Âu về cách hành xử chung của châu Âu".

Theo Ngoại trưởng Pháp Le Drian cũng đánh giá bất đồng giữa Pháp và Mỹ hiện nay nằm ở cách định nghĩa khái niệm chiến lược mới của NATO dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm tới tại Tây Ban Nha. Đối với Pháp, NATO cần dựa trên những giá trị cơ bản và những gì vừa xảy ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành khái niệm chiến lược mới của NATO.

Người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal cũng nhấn mạnh Pháp đã gánh vác trọng trách cho cả châu Âu trong suốt nhiều năm qua, đồng thời, cho biết Pháp chờ đợi Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2022 để các thành viên cần giải thích rõ khái niệm của mình, trước khi nước này cân nhắc khả năng rời NATO.

Hai ứng viên lớn tranh cử Tổng thống Pháp năm 2022 thuộc cánh hữu là ông Xavier Bertrand, lãnh đạo đảng "Những người Cộng hòa" và bà Valérie Pécresse đứng đầu đảng "Tự do", đã đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh NATO bất thường để xem xét rời khỏi Liên minh quân sự này. Theo ông Xavier Bertrand, Mỹ giờ đây đã không còn coi trọng Pháp và Pháp cần phải đánh giá lại mức độ tin tưởng dành cho đối tác lớn này. Trong khi đó, bà Valérie Pécresse bày tỏ hoài nghi về ý tưởng Pháp nên tiếp tục ở lại NATO sau hành động của Mỹ, và cho rằng đó là điều không nên có giữa các đồng minh.

Ý tưởng Pháp rời NATO cũng nhận được sự chia sẻ từ khối cánh tả. Lãnh đạo đảng nước Pháp bất khuất Jean Luc Melenchon cho rằng đã đến lúc Pháp ngừng ảo tưởng, cần từ chối hợp tác và rời khỏi NATO cũng như yêu cầu Mỹ dời Trung tâm quân sự không gian của NATO ra khỏi thành phố Toulouse. Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel thì cho rằng Pháp cần hành động đáp trả mạnh mẽ đối với Mỹ và rời khỏi NATO là một lựa chọn.

Chủ tịch tạm quyền đảng Cực hữu Tập hợp quốc gia Jordan Bardella khẳng định việc Pháp rút khỏi NATO sẽ cho phép nước này tập trung nguồn lực, có được sự tự do và động lập hành động.

Trong quá khứ, Pháp từng rời khỏi Bộ Chỉ huy liên hợp NATO năm 1966 và mới chỉ quay trở lại vào năm 2009 dưới thời cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Trả lời trên truyền hình, ông Nicolas Sarkozy ủng hộ một hành động đáp trả mạnh mẽ từ Tổng thống Emmanuel Macron:"Chính từ cuộc khủng hoảng hiện nay, Pháp cần phải đặt lại những câu hỏi này và đánh giá lại những vấn đề liên quan. Một khi bị tấn công thì nước Pháp không thể không đáp trả. Pháp là một nước lớn và không thể yếu đuối".

Năm 2019, Tổng thống Pháp Macron từng dùng những từ ngữ gay gắt để nói về NATO khi cho rằng Khối quân sự này đã "chết não". Vào thời điểm đó, NATO không nhận được sự hợp tác từ chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi Mỹ liên tục cắt giảm phần đóng trong ngân sách chung cũng như không ủng hộ các đồng minh châu Âu trong NATO xử lý vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ.