Mỹ nhượng bộ về thỏa thuận khoáng sản, Ukraine vẫn "tiến thoái lưỡng nan"
(Dân trí) - Truyền thông Mỹ cho biết, nước này đã có điều khoản nhượng bộ hơn về thỏa thuận khoáng sản với Ukraine, nhưng Kiev vẫn đang trong thế khó.

Một mỏ khoáng sản của Ukraine (Ảnh: AFP).
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hạ mức yêu cầu hoàn trả viện trợ từ 300 tỷ USD xuống còn 100 tỷ USD trong dự thảo thỏa thuận khoáng sản với Ukraine, Bloomberg ngày 16/4 dẫn nguồn tin ẩn danh cho hay.
Thông tin này được đưa ra sau các cuộc tham vấn kỹ thuật giữa các phái đoàn Mỹ và Ukraine diễn ra tại Washington vào ngày 11-12/4, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thỏa thuận về tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, vốn đã gây tranh cãi suốt thời gian qua.
Dù ban đầu báo chí mô tả bầu không khí của các cuộc đàm phán là "căng thẳng", Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết vòng thảo luận đã kết thúc trong "tinh thần tích cực".
Đề xuất hiện tại của Mỹ sẽ trao quyền kiểm soát khoáng sản của Ukraine cho một quỹ đầu tư chung do Washington quản lý. Chính quyền Trump mô tả thỏa thuận này là cách để thu hồi hàng trăm tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính đã cung cấp cho Ukraine kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện.
Mức 100 tỷ USD mà Washington đang yêu cầu được cho là gần sát hơn với ước tính của Kiev, song Tổng thống Zelensky trước đó đã nhấn mạnh rằng Ukraine không coi khoản viện trợ của chính quyền trước đây là một khoản nợ cần phải hoàn trả.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ là nước viện trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự lớn nhất cho Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump chưa phân bổ thêm bất kỳ gói viện trợ mới nào, thậm chí từng tạm hoãn dòng viện trợ đang triển khai hồi tháng 3 nhằm gây sức ép buộc Kiev ký vào thỏa thuận khoáng sản.
Bản thỏa thuận khung ban đầu dự kiến được ký trong chuyến thăm Washington của Tổng thống Zelensky vào ngày 28/2, nhưng kế hoạch đã đổ vỡ sau một cuộc tranh cãi gay gắt trong Phòng Bầu dục giữa ông Zelensky, Tổng thống Trump và Phó Tổng thống JD Vance. Ông Zelensky rời Mỹ mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Kể từ đó, Ukraine đã thuê hãng luật Mỹ - Anh Hogan Lovells làm cố vấn trong quá trình đàm phán.
Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách hội nhập châu Âu và Euro-Atlantic, bà Olha Stefanishyna, xác nhận hôm 14/4 rằng Kiev đã đệ trình một loạt đề xuất sửa đổi trong vòng đàm phán mới nhất, nhưng không bình luận về phản ứng từ phía Mỹ.
Giới chuyên gia cảnh báo, cho rằng cách tiếp cận của Mỹ có nguy cơ làm suy yếu chủ quyền của Ukraine đối với tài nguyên khoáng sản của mình.
Đồng thời, nó cũng có thể làm phức tạp mối quan hệ đối tác về nguyên liệu thô mà Ukraine đã ký với Liên minh châu Âu vào năm 2021, từ đó đe dọa con đường gia nhập EU của nước này. Giờ đây, Ukraine đứng vào thế khó khi họ có thể phải lựa chọn giữa ký thêm thỏa thuận với Mỹ để đảm bảo nguồn viện trợ hoặc giấc mơ gia nhập EU trở nên xa vời.
Ngoại trưởng Andrii Sybiha trước đó nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào cũng phải phù hợp với lợi ích quốc gia lâu dài của Ukraine và khát vọng gia nhập EU. Kiev kiên quyết rằng thỏa thuận phải mang lại lợi ích cho cả hai bên và không được gây tổn hại đến triển vọng gia nhập EU trong tương lai.