1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ-Nhật-Hàn “đứng ngồi không yên” vì Triều Tiên

Triều Tiên tuyên bố đã phát triển thành công bom nhiệt hạch (bom H) tối tân và có công nghệ thu nhỏ bom để lắp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là một bước tiến đáng kể của Triều Tiên trong chương trình hạt nhân-tên lửa bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế. Những bước tiến ngày càng xa của Triều Tiên trong công nghệ hạt nhân đang khiến Mỹ- Hàn Quốc và Nhật Bản thực sự lo ngại.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo việc chế tạo bom H gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa mới. (Ảnh: KCNA/Reuters)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo việc chế tạo bom H gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa mới. (Ảnh: KCNA/Reuters)

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên hôm qua cho biết, Viện Nghiên cứu Vũ khí hạt nhân Triều Tiên đã phát triển thành công một loại "vũ khí hạt nhân tối tân hơn" và mang tới đột phá cho năng lực hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này.

Truyền thông Triều Tiên ngày 3/9 cũng đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã kiểm tra một quả bom H có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới của nước này.

Hiện các câu hỏi về việc liệu Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ vũ khí của mình và liệu Triều Tiên có bom H hay không vẫn còn để ngỏ, song Hãng thông tấn KCNA dẫn lời ông Kim Châng Un cho biết, tất cả thành phần của quả bom H này đều được chế tạo ở trong nước.Triều Tiên cũng sở hữu toàn bộ các công đoạn và công nghệ chế tạo bom H. Điều này cho phép nước này sản xuất bom H số lượng lớn mà không phụ thuộc vào nước ngoài.

Bom H mới nâng cấp của Triều Tiên có thể được điều chỉnh sức công phá từ 10 tới hàng trăm kilotons (1 kiloton tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT).

Triều Tiên tuyên bố, với vũ khí mới, nước này có thể thực hiện các cuộc tấn công răn đe với sức mạnh hủy diệt cũng như tạo ra cuộc tấn công xung điện từ (EMP) có thể đánh sập hệ thống năng lượng, máy tính, thông tin liên lạc của đối phương.

“Tình hình hiện nay thực sự nguy hiểm”, Ngoại trưởng Pháp Giăng Jean – Yves Le Drian nhận định về năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng. “Triều Tiên có nhiều biện pháp với các vũ khí hạt nhân của mình, có thể tấn công Mỹ, thậm chí châu Âu. Tình hình sẽ như một thùng thuốc súng. Đó là lí do tại sao chúng ta cần phải ngăn chặn. Triều Tiên cần phải tuân theo con đường đối thoại”.

Với sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên, những nước lo ngại nhất hiện vẫn là Mỹ và các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/9 có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thảo luận về mối đe dọa leo thang từ Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác 3 bên Mỹ- Hàn Quốc, Nhật Bản để đối phó với mối đe dọa này.

Tổng thống Donald Trump cũng nhất trí với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in xem xét lại Hiệp ước phát triển tên lửa đạn đạo giữa hai nước. Theo đó, thúc đẩy khả năng quốc phòng của Hàn Quốc đối phó với mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên.

Câu hỏi đặt ra hiện nay đó là nước Mỹ sẽ phải làm gì trước một Triều Tiên đang ngày càng lớn mạnh về công nghệ hạt nhân. Giới phân tích quân sự cho rằng, thay vì “ đổ dầu” vào ngọn lửa đang le lói, Mỹ nên tiếp tục giữ cam kết đối với các đồng minh châu Á của mình, nhưng cũng cần tìm cách đàm phán để hạ nhiệt tình hình.

Theo phân tích của giới truyền thông Mỹ, trước tiên nước Mỹ vẫn phải củng cố khả năng răn đe của mình, sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ đối với bất cứ tối hậu thư hạt nhân nào của Triều Tiên. Nước này cũng phải thực hiện các cam kết với Nhật Bản và Hàn Quốc, vì không chỉ là các đồng minh quan trọng trong khu vực, hai nước này sẽ giúp mang lại khả năng quốc phòng về tên lửa tốt nhất và hiệu quả nhất của Mỹ trong khu vực.

Ngoài ra, Mỹ cũng cần phải trấn an Nga và Trung Quốc về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể triển khai trong khu vực, gia tăng vai trò của hai quốc gia này trong nỗ lực buộc Triều Tiên phải thay đổi thái độ của mình.

Giới chuyên gia quân sự cũng cảnh báo, nếu Mỹ tiếp tục đối đầu với Triều Tiên với các lựa chọn quân sự của mình, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ sớm “hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên. Với vũ khí hạt nhân của mình, Triều Tiên có khả năng đe dọa tất cả châu Á hay ít nhất là Nhật Bản hay Đảo Guam của Mỹ.

Trong vòng 1 đến 2 năm tới, Triều Tiên có đủ năng lực để phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân với độ chính xác cao nhằm vào một thành phố lớn trên bờ biển phía Tây của nước Mỹ. Khi đó, tình hình sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát và nước Mỹ sẽ đối mặt với mối đe dọa hiện hữu thực sự.

Theo Phạm Hà

VOV