1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ nghi ngờ hiện diện của Nga tại Kazakhstan giữa lúc "nước sôi lửa bỏng"

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ vẫn đang theo dõi chặt chẽ và đặt nghi vấn về việc lực lượng quân sự do Nga dẫn đầu được triển khai tới Kazakhstan giữa lúc bạo loạn.

Mỹ nghi ngờ hiện diện của Nga tại Kazakhstan giữa lúc nước sôi lửa bỏng - 1

Binh sĩ Nga lên máy bay quân sự tới Kazakhstan (Ảnh: Getty).

"Chúng tôi vẫn đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo về việc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã điều động các lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể đến Kazakhstan", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết tại một cuộc họp báo hôm nay 7/1.

Các cuộc biểu tình bùng phát từ ngày 2/1 ở tây Kazakhstan và nhanh chóng lan ra các thành phố trên khắp cả nước, khi người dân phản đối quyết định của chính phủ về việc ngừng trợ giá khí đốt hóa lỏng (LPG) khiến giá nhiên liệu này tăng vọt. 

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ngày 5/1 đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc và đề nghị sự hỗ trợ từ CSTO nhằm giúp đối phó tình trạng bạo loạn tại nước này. Lực lượng của CSTO gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan, trong đó Nga giữ vai trò dẫn đầu.

"Chúng tôi đặt ra những nghi vấn về bản chất của lời đề nghị (hỗ trợ) này và liệu đó có phải là một lời đề nghị hợp pháp hay không. Chúng tôi không nắm rõ thông tin này", thư ký báo chí Nhà Trắng nói thêm.

Bà Psaki cho biết Washington sẽ theo dõi bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào cũng như "bất kỳ hành động nào có thể tạo tiền đề cho việc chiếm giữ các cơ sở của Kazakhstan".

Máy bay quân sự đưa lính Nga tới Kazakhstan

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6/1 đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi về tình trạng khẩn cấp đang diễn ra ở nước này.

"Ngoại trưởng nhắc lại sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ đối với các thể chế hiến pháp và tự do truyền thông tại Kazakhstan, đồng thời ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng", Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington và thế giới sẽ "theo dõi" mọi động thái của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga cũng như CSTO tại Kazakhstan. Ông Price cũng cho biết Mỹ sẽ để chính phủ Kazakhstan giải thích lý do mời CSTO tới đối phó bạo loạn.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tới Kazakhstan

Một phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/1 cũng kêu gọi Nga tôn trọng chủ quyền và độc lập của Kazakhstan, sau khi Nga đưa binh sĩ tới nước này để ứng phó tình trạng bạo loạn. Ủy ban châu Âu cũng kêu gọi các bên kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng.

Quân đội Nga đã huy động 75 máy bay liên tục đưa lực lượng đổ bộ đường không cùng nhiều phương tiện quân sự tới Kazakhstan để ứng phó bạo loạn. CSTO cho biết nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình là bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của chính phủ và quân đội Kazakhstan, đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân nước này.

Nga đã tuyên bố rằng họ coi những diễn biến hiện nay là vấn đề nội bộ của Kazakhstan và tin tưởng chính phủ Kazakhstan có thể kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, nếu các cuộc biểu tình tiếp diễn, Moscow chắc chắn sẽ không thể làm ngơ.

Nga và Kazakhstan có đường biên giới chung dài khoảng 7.000 km. Khu vực Baikonur ở Kazakhstan là nơi được Nga thuê và có sân bay vũ trụ nổi tiếng Cosmodrome. Sary Shagan, một khu vực thử nghiệm quan trọng đối với an ninh của Nga, cũng nằm ở Kazakhstan. Ngoài ra, Kazakhstan cũng tập trung một cộng đồng lớn người Nga. Do vậy, sự ổn định chính trị ở Kazakhstan có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với Nga.