1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ nêu lý do ngăn Ukraine tấn công các cơ sở dầu của Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, Washington lo ngại giá dầu thế giới tăng vọt nếu Ukraine đẩy mạnh tấn công các cơ sở dầu của Nga.

Mỹ nêu lý do ngăn Ukraine tấn công các cơ sở dầu của Nga - 1

Một cơ sở dầu của Nga bị cháy sau một cuộc tập kích (Ảnh: WSJ).

"Những cuộc tấn công đó có thể có tác động dây chuyền đến tình hình năng lượng toàn cầu", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 9/4.

Ông nhấn mạnh: "Tốt hơn, Ukraine nên theo đuổi các mục tiêu chiến thuật và tác chiến có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc chiến hiện tại". Nói cách khác, theo ông, Ukraine chỉ nên nhắm đến các mục tiêu quân sự của Nga.

Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, Ukraine tăng tần suất các vụ tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) tầm xa vào các hạ tầng năng lượng của Nga, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu, kho chứa dầu ở nhiều khu vực khác nhau trong lãnh thổ Nga.

Đây có thể là một phần nguyên nhân khiến giá dầu trên thị trường thế giới tăng. Giá dầu đã lên cao nhất 6 tháng. Tuy nhiên, Washington nói rằng đó là do xung đột ở Trung Đông và các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga.

Bình luận của ông Austin một lần nữa xác nhận việc Mỹ đã đề nghị Ukraine ngừng chiến dịch tấn công vào các nhà máy lọc dầu Nga do lo ngại tác động tiêu cực đến thị trường năng lượng toàn cầu.

Thượng nghị sĩ bang Arkansas Tom Cotton cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden "chỉ không muốn giá dầu tăng trong năm bầu cử".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây cho biết, Mỹ "phản ứng không tích cực về vấn đề này".

Tuy vậy, cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sẽ đáp ứng đề nghị của Mỹ về việc ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở dầu Nga. Ngược lại, Cơ quan Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) hồi đầu tuần tuyên bố, Kiev sẽ mở rộng chiến dịch tập kích nhà máy lọc dầu của Moscow.

"Nếu Ukraine không nhận được vũ khí và tiền viện trợ như cam kết, vậy thì động cơ của họ để tuân thủ thỏa thuận với Washington là gì", Helima Croft, giám đốc điều hành và người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, đặt vấn đề.

Kiev ban đầu nói rằng, những vụ tập kích UAV đó nhằm làm gián đoạn nguồn cung nhiên liệu cho quân đội Nga và "giáng đòn tượng trưng bằng cách đưa cuộc chiến đến gần Moscow hơn.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Tổng thống Zelensky lại khẳng định đó là một hình thức răn đe bởi vì Kiev đang cạn kiệt tên lửa cho các hệ thống phòng không được phương Tây viện trợ.

Cả ông Zelensky và ông Austin đều kêu gọi quốc hội Mỹ phê chuẩn gói viện trợ hơn 60 tỷ USD cho Ukraine. Ông Zelensky thừa nhận, nếu không có viện trợ của Mỹ, Ukraine sẽ thua trong cuộc chiến với Nga.

Trong khi đó, ông Austin lập luận, gói viện trợ là một cách để tạo việc làm trong ngành công nghiệp quân sự Mỹ. Theo ông, các nhà sản xuất quốc phòng, từ đạn dược đến tàu ngầm, đều có thể hưởng lợi.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm