1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ mạnh tay mua vũ khí đối phó với S-400

Trang UPI ngày 30/6 dẫn nguồn tin từ Không quân Mỹ cho biết, lực lượng này vừa ký hợp đồng trị giá 118 triệu USD với hãng Raytheon mua mồi bẫy MALD-J.

Không quân Mỹ cho biết, toàn bộ lô vũ khí này sẽ được giao xong vào 30/6/2020. Được biết, đây là lô hàng thứ 9 mà Raytheon giao cho Không quân Mỹ. Theo vị đại diện của Không quân Mỹ, việc không quân nước này mua sắm MALD-J là để đối phó với hệ thống phòng không kiểu như S-300/400 của Nga hiện nay.

Vậy, hệ thống S-400 của Nga có dễ đối phó? Theo Tập đoàn Almaz-Antei cho biết, hiện không có tổ hợp phòng không nào sở hữu khả năng như S-400, tên lửa này có thể bắn hạ hầu hết mọi mục tiêu trên không ở cự ly xa đến 400km.

Tên lửa - mồi bẫy MALD-J trên tiêm kích F-16.
Tên lửa - mồi bẫy MALD-J trên tiêm kích F-16.

Để làm được điều đó, hệ thống tên lửa S-400 được trang bị hệ thống radar cực tối tân, trong đó có 92N6E. Radar này có thể theo dõi đồng thời 100 mục tiêu và dẫn đường cho 12 tên lửa tấn công 6 mục tiêu cùng lúc với tỷ lệ phân bổ 2 đạn tên lửa/mục tiêu.

Tổ hợp S-400 có khả năng tự động theo dõi và bám bắt trong điều kiện thời tiết bất lợi hay trong môi trường tác chiến điện tử mạnh. Các mục tiêu nguy hiểm nhất sẽ được sàng lọc để người điều khiển lựa chọn. Khi lệnh khai hỏa được gửi đến xe phóng, 92N6E sẽ tự động tính toán các tham số để dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu.

Ngoài ra, trong quá trình tác chiến, S-400 cũng có thể kết hợp với radar cảnh giới nhìn vòng mọi độ cao 96L6E với tầm trinh sát 300 km và có khả năng phát hiện đồng thời 100 mục tiêu.

96L6E có ưu điểm là kết hợp cả tính năng bắt thấp và bắt cao của 2 loại radar trên trong cùng một thiết kế. Ưu điểm vượt trội của 96L6E là khả năng bắt thấp và rất thấp, đây là tính năng quan trọng trong việc phát hiện tên lửa đường đạn chiến thuật - chiến dịch.

Tuy nhiên, theo phân tích của Raytheon, tổ hợp S-400 rất yếu về khả năng phân biệt mục tiêu thật và mục tiêu giả. Lợi dụng nhược điểm này, nhà sản xuất này đã tìm ra cách khắc chế S-400 bằng tên lửa MALD-J.

Tên lửa có chiều dài 2,7 m, nặng khoảng 136 kg với nhiệm vụ tái tạo những tín hiệu giả của máy bay Mỹ và đồng minh. MALD-J có thể phát tín hiệu phát xạ gây nhiễu làm lẫn lộn các mục tiêu trên không đối với các đài radar phòng không của đối phương và tái tạo chính xác các tín hiệu gây nhiễu từ một máy bay tàng hình.

Tổ hợp phòng không S-400.
Tổ hợp phòng không S-400.

Bằng cách đó, nó làm cho các hệ thống phòng không đối phương không phân biệt được các mục tiêu thật/giả. MALD-J được triển khai từ một máy bay. Trong suốt hành trình bay trên không phận của kẻ thù, nó di chuyển theo một đường bay được lập trình từ trước (có thể tái lập trình) và tạo ra khoảng 100 mục tiêu giả khác nhau trong phạm vi tác chiến.

Khi đó, các hệ thống phòng không đối phương không thể phân biệt được một số lượng quá lớn mục tiêu, bị quá tải và bị gây nhiễu chủ động. Ngoài ra, MALD-J cũng tái tạo lại tín hiệu giả của các pháo đài bay như B-52H hay máy bay tàng hình như B-2 Spirit.

Sau khi MALD-J gây nhiễu hệ thống radar của tổ hợp S-400, lần lượt tên lửa AGM-88 và JSOW xung trận. Bằng cách đánh này, Mỹ khiến cho không chỉ S-400 mà cả “vệ sĩ” đi kèm là Pantsir-S1 không có cách nào chống đỡ nổi.

Theo Tuấn Hưng

Đất Việt