Máy bay bị “trói”, Mỹ lo các nước ồ ạt mua S-400
Hàng loạt chuyên gia quân sự Mỹ lo ngại rằng, S-400 sẽ trở nên phổ biến, sau khi Washington ngừng không kích ở Bắc Syria vì sự hiện diện của nó.
Mỹ lo ngại các đối thủ đều sở hữu S-400
Bình luận viên Dave Majumdar của tờ “Lợi ích dân tộc” (The National Interest) của Mỹ bày tỏ lo ngại rằng, sau màn quảng bá tuyệt vời (mặc dù chẳng liên quan gì đến cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS) ở Syria, các nước sẽ đua nhau hỏi mua hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga.
Ông viện dẫn nguồn tin cho biết rằng, Ấn Độ sẽ trở thành nước thứ hai sau Trung Quốc muốn mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga với số lượng rất lớn và hiện không ít nước đang bày tỏ sự quan tâm đến nó, sau khi Nga triển khai hệ thống này ở khu vực giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Cách đây vài ngày, Ấn Độ đã chi ra tới 6 tỷ USD mua 5 tổ hợp tên lửa phòng không S-400 với khoảng 6000 quả tên lửa, cùng với các thiết bị phóng và radar. Trước đó, Trung Quốc cũng đã đặt mua 6 tổ hợp tên lửa loại này. Ngoài ra, Algeria cũng được cho là đã mua 3-4 tiểu đoàn.
"Sự phổ biến của các hệ thống như S-400 và "tiền nhiệm" của nó là S-300 là thách thức nghiêm trọng đối với không quân Mỹ và các đồng minh. Cả hai hệ thống tên lửa này đều rất năng động, được liên kết thành mạng lưới và có thể bảo vệ những khu vực rất rộng lớn" - ông Majumdar viết.
Nhà quan sát này lưu ý rằng, vấn đề mà Hoa Kỳ phải đối mặt sẽ chỉ tồi tệ hơn theo thời gian, bởi các nước khác, ví dụ như Iran và Syria đã có S-300, nên trong tương lai có thể sẽ mua S-400.
Hệ thống phòng không S-400 là khắc tinh đáng sợ của các chiến đấu cơ
Ông Majumdar nhấn mạnh rằng cả hai phiên bản của hệ thống đều cực kỳ hiệu quả và có khả năng bao trùm toàn bộ địa bàn, mà máy bay bình thường không thể tấn công. Ngoài ra, một khó khăn rất lớn cho các đối thủ là tổ hợp phòng không này rất cơ động.
Việc các đối thủ khác của Mỹ đều sở hữu những hệ thống như vậy sẽ giúp không phận của họ bất khả xâm phạm trước bất cứ lực lượng không quân nào, dù là hùng mạnh như Mỹ.
Chuyên gia Mỹ lo ngại không chống nổi S-400
Trước đó, một chuyên gia quân sự Mỹ khác là ông Tyler Rogoway cũng đã phải thừa nhận trong blog của mình, trên Foxtrot Alpha rằng, hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga là cực khó bị đánh bại, nếu những hệ thống tên lửa phòng không này dàn thành trận gần như là bất khả xâm phạm.
Vị chuyên gia Mỹ cho rằng, nếu Mỹ sở hữu các phương tiện chiến tranh điện tử có khả năng phá hủy những bệ phóng riêng lẻ, thì những phương tiện đang có hiện nay là không thể đối phó được với vài trung đoàn S-400 dàn trận hỗ trợ lẫn nhau, xóa hết các vùng mù radar.
Những cuộc tranh luận về hiệu quả của các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất của Nga đã nổ ra giữa các chuyên gia quân sự Mỹ, sau khi hệ thống S-400 được nhìn thấy ở sân bay Hmeymim-Latakia, của Syria.
Bên trong nhà máy sản xuất tên lửa phòng không S-400
Trong phần bình luận của mình, ông Tyler Rogoway lưu ý rằng: một số ý kiến nói máy bay tác chiến điện tử Boeing EA-18 Growler có thể là vũ khí hiệu quả chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất của Nga, là sai lầm nghiêm trọng.
Ông bác bỏ quan điểm này và cho rằng, vài ba máy bay thì không thể làm gì được những dàn tổ hợp Triumph của một trung đoàn tên lửa phòng không. Nhưng các dàn phóng S-400 của Nga thì lại có thể dễ dàng bắn hạ những chiếc EA-18G bằng các loạt tên lửa của mình.
Khi được hỏi rằng như vậy làm thế nào có thể chống đỡ hệ thống phòng không S-400, ông Tyler Rogoway cho rằng, chỉ có thể đối đầu với một hệ thống phòng thủ phức tạp như vậy nếu kết hợp sử dụng một loạt các công cụ chiến tranh như máy bay tàng hình, tên lửa có điều khiển và không điều khiển, các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến và nhiều phương tiện khác.
Máy bay Mỹ ngừng bay vì S-400, các nước khác noi gương?
Liên minh phương Tây đã phải đối mặt với những thách thức mới trong cuộc chiến chống "Nhà nước Hồi giáo" IS, vụ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 của Nga đã mang lại hậu quả quá lớn đối với Mỹ, tạo cớ cho Moscow triển khai đủ loại tên lửa phòng không ở Syria.
Ngày 19-12, hãng tin Mỹ Bloomberg đã bình luận rằng Washington sợ các hệ thống tên lửa phòng không mà Nga mới điều đến Latakia để bảo vệ không phận phía bắc Syria (giáp với phía nam Thổ Nhĩ Kỳ) và chấp nhận luật chơi của Nga ở khu vực này là “cấm bay vô tổ chức”.
Bài viết cho biết, từ khi Nga điều chuyển các hệ thống phòng không tầm cao, tầm xa tối tân là S-400 và hệ thống phòng không tầm trung Buk đến triển khai xung quanh sân bay Hmeymim-Latakia, radar của chúng đã quét vào các máy bay Mỹ.
Lầu Năm Góc đã phải đình chỉ các phi vụ của các tiêm kích có người lái oanh tạc vào lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, chỉ dám duy trì hoạt động của máy bay không người lái trên không phận biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, được gọi là “ô số 4” (Box 4).
Việc điều chuyển thêm các hệ thống phòng không Buk đã làm phá sản những nỗ lực của liên quân do Mỹ đứng đầu và đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, ngay sát phía tây sông Euphrates.
Nga cũng mở rộng quy mô không kích quân khủng bố “Box 4”, giúp lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad thu được nhiều chiến thắng quan trọng ở miền bắc và miền trung Syria, giành quyền kiểm soát một vùng chiến trường rộng lớn sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số chuyên gia phương Tây nhìn nhận, với việc tăng cường lực lượng phòng không kết hợp với đẩy mạnh không kích, Nga và quân đội Syria đang cố gắng mở rộng tối đa vùng kiểm soát của quân chính phủ, trước khi bước vào đàm phán vào ngày 22-1-2016 tại Geneva.
Cựu chuyên gia phân tích tình báo của quân đội Mỹ Matthew McInnis cho biết, tuy Nga vẫn không tuyên bố lập “Vùng phòng không” nhưng trên thực tế ông Putin đã lập hẳn “Vùng cấm bay” và Mỹ đang phải làm ngơ trước hiện trạng Moscow gạt không quân nước này ra khỏi không phận Syria.
Mỹ không những không ép được Nga, mà Washington còn buộc phải “nhảy theo vũ điệu của người Nga”. Lầu Năm Góc thậm chí còn nói rằng sẽ "chấp nhận những luật chơi" được Điện Kremlin đề ra. Rõ ràng là chính quyền Obama đang thể hiện rõ sự bất lực trước hành động cứng rắn của ông Putin.
Theo Huy Bình
Đất Việt