Mỹ lên tiếng về khả năng kết thúc xung đột Nga - Ukraine
(Dân trí) - Quan chức Mỹ cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine chỉ có thể kết thúc bằng giải pháp ngoại giao, trong khi Ukraine tuyên bố chiến đấu đến cùng.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 16/6 tuyên bố Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine "ở mức tối đa", "đầu tiên là trên chiến trường, sau đó là trên bàn đàm phán".
"Chúng tôi nghĩ rằng cuộc xung đột này phải kết thúc bằng ngoại giao", ông Sullivan nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 4 khẳng định, Kiev không còn lựa chọn nào khác ngoài đối thoại với Moscow nhằm chấm dứt cuộc xung đột.
Trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg dự đoán Ukraine có thể phải từ bỏ một số vùng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình, ông Sullivan cho rằng quyết định như vậy hoàn toàn phụ thuộc vào Kiev.
"Chúng tôi sẽ không thúc ép họ nhượng bộ lãnh thổ. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó thực sự sai lầm", ông Stoltenberg nói.
Bình luận của ông Sullivan được đưa ra sau khi NBC News đưa tin, một số quan chức Mỹ và châu Âu "ngày càng lo ngại rằng quỹ đạo của cuộc chiến ở Ukraine không thể kiểm soát được" và họ "âm thầm thảo luận", hối thúc Tổng thống Volodymyr Zelensky từ bỏ lập trường cứng rắn rằng Ukraine sẽ không nhượng bộ vùng lãnh thổ nào trước Nga.
Theo NBC, Tổng thống Mỹ Joe Biden "không hài lòng" khi Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói về việc giành Ukraine "chiến thắng" trong cuộc xung đột với Nga vào cuối tháng 4, sau chuyến thăm tới Kiev.
Mặc dù ông Biden được cho là đã đề nghị cả Bộ trưởng Austin và Ngoại trưởng Blinken "hạ nhiệt", nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy người đứng đầu Lầu Năm Góc làm như vậy. Hôm 15/6, ông Austin tuyên bố Mỹ sẽ "hỗ trợ các lực lượng vũ trang của Ukraine để giúp họ đẩy lùi chiến dịch của Nga hiện tại và trong tương lai".
Theo Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Ukraine đã nhận được nhiều vũ khí hơn mức họ đề nghị. Kiev đã đề nghị hỗ trợ 10 tiểu đoàn pháo binh, và họ nhận được 12. Mỹ và các đồng minh cũng cung cấp cho Ukraine hơn 97.000 hệ thống chống tăng, "nhiều hơn số lượng xe tăng trên thế giới", ông Milley nói.
"Họ đề nghị viện trợ 200 xe tăng, sau đó họ có 237 xe tăng. Họ đề nghị 100 xe chiến đấu bộ binh, sau đó họ có hơn 300 chiếc. Tổng cộng, chúng tôi đã chuyển giao 1.600 hệ thống phòng không và khoảng 60.000 đạn phòng không", ông Milley thống kê.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov hôm 16/6 tuyên bố, Kiev sẽ "giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ, bao gồm Crimea", bằng cách sử dụng vũ khí do NATO cung cấp để ổn định mặt trận, sau đó tiến hành một cuộc phản công. Trước đó một ngày, Thiếu tướng Ukraine Dmitry Marchenko nhấn mạnh ông muốn sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để nhắm mục tiêu tấn công cầu Kerch, nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.
Mặc dù giới chức Mỹ tuyên bố cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine đang có xu hướng thuận lợi cho Kiev, nhưng các quan chức cấp cao của Ukraine thừa nhận lực lượng vũ trang nước này mất 1.000 người mỗi ngày, trong khi lực lượng Nga vẫn tiếp tục đà tiến công.